Hà Nội đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch Covid-19

GD&TĐ - Các trường học ở Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng học trực tuyến nếu dịch Covid-19 bùng phát.

Hiện nay, công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 vẫn được các trường ở Hà Nội triển khai theo kế hoạch.
Hiện nay, công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 vẫn được các trường ở Hà Nội triển khai theo kế hoạch.

Chủ động phòng dịch từ xa

Theo thống kê từ ngành Y tế, những ngày qua số ca mắc Covid-19 ở một số địa phương đang có xu hướng tăng cao. Số ca mắc Covid-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus phát triển. Ngoài ra, người dân đang có tâm lý chủ quan trong phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, không khử khuẩn tay thường xuyên khiến bệnh lây lan.

Tại Hà Nội, trong tuần đầu của tháng 4 đã ghi nhận 67 ca mắc, số mắc tăng 44 trường hợp so với tuần trước và có cả trẻ em. Trước thực tế đó, nhiều trường học ở Thủ đô đã tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho học sinh cũng như giáo viên, nhân viên trong trường.

Cả phụ huynh lẫn giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa cùng tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn trường để phòng chống dịch bệnh.

Cả phụ huynh lẫn giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa cùng tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn trường để phòng chống dịch bệnh.

Cô Trần Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Nghĩa (quận Hà Đông) cho hay, những ngày qua đơn vị này chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào của giáo viên hay học sinh của trường. Ngoài phòng dịch Covid-19, nhà trường luôn chú ý phòng chống các dịch bệnh theo mùa khác như: Sốt xuất huyết, Cúm A, Thủy đậu... Đặc biệt là khi thời tiết nồm ẩm dễ phát sinh mầm bệnh.

Theo cô Quyên, công tác phòng chống dịch bệnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt năm học của nhà trường. Không đợi đến "lúc có dịch mới phòng", theo định kỳ mỗi năm học 2 lần, nhà trường chủ động phối hợp với phụ huynh tiến hành tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ phòng học cũng như trang thiết bị phục vụ bán trú của học sinh, phát quang bụi rậm phòng tránh dịch Sốt xuất huyết...

"Quan điểm chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cũng như của nhà trường là đặt sự an toàn của học sinh lên trên hết. Công tác phòng chống dịch bệnh được quán triệt tới từng lớp với các giải pháp cụ thể. Học sinh được rèn thói quen rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang trên đường đi học, vệ sinh lớp học mỗi ngày. Trường bố trí nhiều vị trí để học sinh rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh" - cô Trần Thị Quyên nhấn mạnh.

Lên phương án ứng phó

Học sinh Trường Tiểu học Trung Văn đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn ngay từ cổng trường.

Học sinh Trường Tiểu học Trung Văn đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn ngay từ cổng trường.

Một trong các nội dung được các nhà trường chú trọng đó là sẵn sàng các điều kiện cần thiết để chuyển trạng thái học tập nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tại Trường Tiểu học Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, ngay từ cổng luôn đặt bàn để dung dịch sát khuẩn cho các em sử dụng. Mỗi ngày khi học sinh đến trường đều chủ động mang theo bình nước cá nhân để hạn chế việc sử dụng chung bình nước lọc ở lớp. Ngoài ra, thầy cô luôn nhắc nhở các em tăng cường khâu giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, chủ động theo dõi sức khỏe bản thân. Nhà trường thường xuyên lau dọn, khử khuẩn lớp học định kỳ bằng dung dịch Cloramin-B để phòng chống dịch bệnh.

Cô Giang Thanh Thủy - Hiệu trưởng trao đổi: "Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT quận đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo mùa, trong đó có dịch Covid-19. Ngoài hình thức trực tiếp, khi tổ chức hội họp hay hỗ trợ học sinh học tập, chúng tôi cũng tổ chức trên nền tảng trực tuyến. Trường luôn sẵn sàng chuyển đổi trạng thái dạy học nếu diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và cấp trên yêu cầu".

Thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến ở Trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội.

Thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến ở Trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội.

Với hơn 1.800 học sinh đang theo học và đã ghi nhận một số ca mắc Covid-19 trong thời gian qua, Trường THPT Sóc Sơn cũng đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong toàn trường.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diệu Thanh cho biết, các ca mắc vừa qua xuất hiện ở cả giáo viên và học sinh nhưng ở thể nhẹ. Đa số có biểu hiện mệt mỏi nghỉ học ở nhà, khi xét nghiệm mới biết mắc Covid-19. Trong bối cảnh đó, nhà trường luôn chủ động phương án dạy học trực tuyến cho các em để không bị hổng kiến thức.

"Chúng tôi đã trang bị 21 thiết bị camera thu hình vật thể ở 21 lớp, đủ để phục vụ dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho học sinh ở cả ca sáng lẫn ca chiều. Với những em nghỉ ốm ở nhà dù có nhiễm Covid-19 hay lý do khác mà có nhu cầu, nhà trường vẫn tạo điều kiện để các em được học trực tuyến cùng với các bạn trên lớp thông qua thiết bị webcam. Nếu có lệnh từ thành phố, trường luôn sẵn sàng phương án dạy học", cô Diệu Thanh nói.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng như đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, nơi công cộng, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ... Những người có triệu chứng thì cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Các nhóm đối tượng cần tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...