Thắt chặt quan hệ hợp tác giáo dục Việt Nam - Trung Quốc

GD&TĐ - Những năm qua, Trung Quốc dành nhiều suất học bổng đào tạo ở nhiều trình độ cho Việt Nam. Ngược lại, nhiều sinh viên Việt Nam thích học tiếng Trung.

Nguyễn Diệu Linh đón Tết Nguyên đán với bạn bè tại Trường Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương. Ảnh: NVCC.
Nguyễn Diệu Linh đón Tết Nguyên đán với bạn bè tại Trường Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương. Ảnh: NVCC.

Cầu nối Việt Nam - Trung Quốc

Là sinh viên ngành Sư phạm tiếng Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Minh Anh, 22 tuổi, cho biết lựa chọn tiếng Trung vì cơ hội việc làm liên quan đến ngôn ngữ này rộng mở.

Nữ sinh chia sẻ: “Nhu cầu học ngôn ngữ hiện nay rất lớn và tiếng Trung là một trong những ngôn ngữ được người trẻ quan tâm. Em lựa chọn ngành Sư phạm tiếng Trung cũng vì nhu cầu trên và vì yêu thích văn hóa, nghệ thuật của Trung Quốc”.

Theo Minh Anh, sinh viên ngành Sư phạm tiếng Trung không chỉ học các kỹ năng sư phạm mà còn được trau dồi kỹ năng sử dụng tiếng Trung ở nhiều lĩnh vực như văn hóa, du lịch, kinh tế, biên phiên dịch... Điều này góp phần tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đến nay, Minh Anh đã tự tin giao tiếp bằng tiếng Trung. Sau khi tốt nghiệp, nữ sinh dự kiến tìm việc liên quan đến giảng dạy ngôn ngữ và du lịch để có thể giới thiệu tiếng Trung đến với nhiều người Việt Nam và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam cho bạn bè Trung Quốc.

Còn Nguyễn Diệu Linh, lưu học sinh Trường Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương, Trung Quốc, đã có những trải nghiệm đáng nhớ khi lựa chọn du học.

Linh kể: "Khi sang học, em nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình từ các giáo sư đại học, sinh viên. Em được tìm hiểu về văn hóa truyền thống, ẩm thực địa phương, thắng cảnh du lịch ở Trung Quốc và giới thiệu những món ăn ngon, văn hóa của Việt Nam cho người dân nơi đây".

Du học Trung Quốc từ khi dịch Covid-19 xuất hiện nhưng Linh nói “thấy may mắn” vì được trường đại học hỗ trợ nhiệt tình, đảm bảo việc học tập lẫn an toàn sức khoẻ. Nữ sinh còn có cơ hội thực tập tại một doanh nghiệp ở Bắc Kinh để nâng cao chuyên môn và tìm hiểu văn hóa việc làm ở Trung Quốc.

Minh Anh và Linh nằm trong số sinh viên Việt Nam lựa chọn học tiếng Trung hoặc du học Trung Quốc. Các em đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới Trung Quốc và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.

Hiện nay, các trường đại học Việt Nam ngày càng đầu tư, xây dựng chương trình đào tạo liên quan đến ngôn ngữ Trung. Bên cạnh những cơ sở giáo dục đại học chuyên đào tạo về ngôn ngữ, nhiều trường đại học mở ngành học có liên quan đến ngôn ngữ Trung. Ví dụ, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đều có ngành Ngôn ngữ Trung. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của những ngành học này cũng tương đối cao.

Tại Trường Đại học Ngoại thương, theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên năm 2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Trung đạt 98,15%.

Còn tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Sư phạm tiếng Trung năm 2021 đạt 94,74% và đạt 99,32% với sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc.

Lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc.

Lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc.

Triển khai hợp tác giáo dục sâu rộng

Trong những năm qua, Việt Nam – Trung Quốc đã triển khai hợp tác giáo dục sâu rộng. Tháng 11/2022, hai nước đã ký kết hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, hai bên khuyến khích và ủng hộ các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở nghiên cứu khoa học giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực như trao đổi thông tin, trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên, hợp tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động học thuật khác dựa trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành có hiệu lực của pháp luật Việt Nam và pháp luật Trung Quốc.

Hàng năm Trung Quốc duy trì dành cho Việt Nam 150 suất học bổng toàn phần đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc và 100 suất học bổng bán phần (miễn học phí) đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc.

Phía Việt Nam duy trì 15 suất học bổng toàn phần dành cho Trung Quốc đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Hai nước đồng thời hỗ trợ nhau trong công tác giảng dạy về ngôn ngữ.

Ngoài ra, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11 năm ngoái, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”.

Trong đó, phía Trung Quốc tuyên bố trong 5 năm tới cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc và không dưới 1.000 suất học bổng dành cho giáo viên tiếng Trung Quốc. Trung Quốc đồng thời giúp đỡ Việt Nam bồi dưỡng nhân tài chất lượng cao và giáo viên tiếng Trung Quốc.

Tại Lễ trao giấy nhập học cho các ứng viên trúng tuyển học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2023, ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT, thông tin: Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều du học sinh nhất ở Trung Quốc và cũng nhận học bổng sinh viên nhiều nhất. Trung Quốc cũng đào tạo cho Việt Nam nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành nước này có thế mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.