Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận tai biến nặng sau tiêm vắc xin COVID-19, chỉ có một vài ca ghi nhận phản ứng sốc phản vệ nhưng đều xử trí rất tốt.
Về quy trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp về phòng chống dịch COVID-19 và công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 rằng, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả các nước tiên tiến.
Các cơ sở tiêm vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.
Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
ThS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết thêm, đến nay Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn cần thiết và cũng đã tập huấn cho các địa phương về cách xử trí các biến chứng sau tiêm.
Đồng thời, Bộ sẽ luôn tiếp tục cập nhật các hướng dẫn để bảo đảm an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất.
Theo Bộ Y tế, trước triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn toàn quốc rất chi tiết về việc tiếp nhận và bảo quản vắc xin, tổ chức buổi tiêm chủng, khám sàng lọc trước buổi tiêm chủng.
Đồng thời, Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn trên toàn quốc Thông tư 51/TT-BYT về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.
Và đặc biệt mới đây, ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19” bao gồm các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo các Vụ/Cục liên quan của Bộ Y tế; cùng các nhà khoa học là các chuyên gia hàng đầu trong nước về các lĩnh vực tiêm chủng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, huyết học, tim mạch, thần kinh… thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức sàng lọc, theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin COVID-19 để kịp thời hỗ trợ các địa phương xử trí mọi tình huống xảy ra của tiêm chủng với mục tiêu đặt ra là tổ chức “tiêm phòng đến đâu an toàn đến đó”.
Hiện tại, các cơ sở y tế của Việt Nam đều đáp ứng tốt các xử trí tai biến sau tiêm chủng.