Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về nạo phá thai: Sự thật đáng buồn!

GD&TĐ - Với 277.834 ca nạo phá thai mỗi năm, trong đó có 5.548 ca của vị thành niên, Việt Nam nằm trong tốp những nước có tỷ lệ nạo phá thai hàng đầu thế giới. Tính trung bình, mỗi phụ nữ từng trải qua 2,5 lần phá thai trong độ tuổi sinh đẻ. 

Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về nạo phá thai: Sự thật đáng buồn!

Theo các chuyên gia về sản khoa, nghĩ đến con số trên thấy buồn. Buồn vì sức khỏe chị em bị tàn phá trong khi có biện pháp hạn chế. Buồn vì nam giới chưa thực sự coi tránh thai là trách nhiệm của mình…

Con số biết nói

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ nạo phá thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm trong những năm gần đây. Năm 2010, cả nước có 470.000 ca nạo phá thai thì đến năm 2012 giảm xuống còn 341.495 ca và năm 2015 còn 277.834 ca. Tương tự, tình trạng mang thai ở trẻ vị thành niên năm 2010 là 3,24% thì đến năm 2015 giảm còn 2,66%. Mỗi năm có gần 6.000 ca nạo phá thai ở lứa tuổi này và khoảng 42.354 trường hợp sinh con khi trưởng thành, chiếm 2,53% tổng số ca đẻ.

Tỷ lệ trên cho thấy, mang thai ngoài ý muốn, sinh đẻ ở phụ nữ và vị thành niên đều giảm. Một phần do công tác truyền thông, việc tiếp cận với phương tiện tránh thai dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, mỗi phụ nữ trung bình trải qua 2,5 lần phá thai trong đời là con số đáng… buồn.

Hậu quả của việc phá thai, cứ 4 ca phá thai thì có 1 ca không an toàn gây tàn tật tạm thời hoặc lâu dài do các biến chứng và gây ra 13% tử vong ở mẹ.

Có những thời điểm ở Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), cứ một ca sinh thì có hơn một ca phá thai. Thống kê từ hai bệnh viện phụ sản lớn nhất phía Nam là Từ Dũ và Hùng Vương, số lượng phụ nữ đến phá thai những năm qua gần như không giảm. Năm 2015, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận trên 28.690 ca phá thai. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, mỗi tháng trung bình có 2.400 ca, con số này ở Bệnh viện Hùng Vương là 1.200 ca.

Mang thai ngoài ý muốn đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lây truyền căn bệnh này xảy ra cao nhất ở độ tuổi 25. Nếu thường xuyên quan hệ tình dục mà không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào thì nguy cơ “vỡ kế hoạch” lên tới 85% trong vòng 1 năm.

Cần có trách nhiệm với bản thân

Ở nước ta cho dù chiến lược kế hoạch hóa gia đình đã đạt kết quả hơn mong đợi về việc giảm tỷ lệ sinh đẻ. Nhưng ẩn sau đó lại là số lượng ca phá thai do mang thai ngoài ý muốn quá lớn. Theo bác sĩ Phượng, đã đến lúc chúng ta phải có trách nhiệm với tình trạng không sử dụng biện pháp tránh thai dẫn đến mang thai ngoài ý muốn cũng như việc sử dụng các biện pháp tránh thai không phù hợp độ tuổi và sức khỏe sinh sản nên không đạt hiệu quả.

Phá thai đồng nghĩa với việc nhiều chị em chưa sẵn sàng có con vì còn dang dở học hành, kinh tế khó khăn, công việc chưa ổn định hay không muốn sinh thêm con đã bất đắc dĩ từ chối thai nhi ngoài ý muốn. Với gần 300 triệu ca nạo phá thai mỗi năm cho thấy nhu cầu ngừa thai ở phụ nữ là rất lớn nhưng cách ngừa thai còn bị động, ngại mua thuốc tránh thai hoặc “dùng” các biện pháp không an toàn theo kiểu truyền thống như xuất tinh ra ngoài, tính ngày…

Theo các nghiên cứu, các biện pháp tránh thai hiện đại có hiệu quả ngừa thai cao như bao cao su nam hiệu quả 86 - 93%, vòng đồng 98 - 99%, viên thuốc tránh thai phối hợp nếu sử dụng đúng hướng dẫn hiệu quả đạt 98 - 99%... Nhưng do còn nhiều quan niệm ngộ nhận, sai lầm như uống thuốc ngừa thai gây vô sinh, đột quỵ, ung thư, khó chịu… nên nhiều chị em, nam giới chấp nhận dùng biện pháp tránh thai truyền thống, hiệu quả thấp. Do vậy, cơ quan chức năng cần có chiến dịch truyền thông tới chị em trong độ tuổi sinh đẻ dù có gia đình hay chưa về tác dụng các biện pháp tránh thai. Chị em cần được tiếp cận, hỗ trợ thông tin để sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe và độ tuổi để tránh những hậu quả đau lòng. Bên cạnh đó, chiến dịch kế hoạch hóa gia đình cũng đưa nam giới vào đối tượng cần tuyên truyền bởi lâu nay họ dồn hết trách nhiệm nặng nề này sang vai phụ nữ.

Có thai ngoài ý muốn, sinh con khi cơ thể chưa sẵn sàng là tình trạng xảy ra ở nhiều nước. Hậu quả của việc làm trên đã được chứng minh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai của trẻ vị thành niên, phụ nữ mà nó còn chứng tỏ sự thụt lùi của một xã hội. Đây là lý do năm 2007, 11 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học, y khoa quốc tế thống nhất chọn 1 ngày trong năm (26/9) là Ngày Tránh thai thế giới. Ngày Tránh thai thế giới như một chiến dịch toàn cầu, thông qua các hoạt động được tổ chức nhằm khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai. Đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì lợi ích của mình và cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ