Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục Thống kê, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2021 là 98,3 triệu người. Trong đó, dân số nam là 48,7 triệu người, chiếm 49,6%; dân số nữ là 49,5 triệu người, chiếm 50,4%.
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) và thứ 15 trên thế giới. Tỷ lệ tăng dân số năm 2021 so với năm 2020 là 1,11%, tương đương khoảng 1 triệu người, duy trì mức tăng bình quân trong nhiều năm qua.
Mật độ dân số của Việt Nam là 297 người/km2, tăng 4 người/km2 so với năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Phi-li-pin (365,3 người/km2) và Xin-ga-po (hơn 7.900 người/km2).
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.084 người/km2 và 795 người/km2. Đây là những vùng bao gồm hai địa phương đông dân nhất cả nước; trong đó Hà Nội thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng với mật độ dân số là 2.483 người/km2 và thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ với mật độ dân số là 4.497 người/km2.
Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 135 người/km2 và 110 người/km2. Tỉnh Lai Châu có mật độ dân số thấp nhất cả nước với 53 người/km2, tiếp theo là Kon Tum với mật độ dân số là 59 người/km2.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2021, cả nước có gần 27,2 triệu hộ dân cư; 10,5 triệu hộ sinh sống ở khu vực thành thị (chiếm 38,7%) và 16,7 triệu hộ ở khu vực nông thôn (chiếm 61,3%). Quy mô hộ bình quân cả nước là 3,5 người/hộ.
Khu vực nông thôn có quy mô bình quân hộ là 3,6 người/hộ, cao hơn khu vực thành thị 0,2 người/hộ. Trung du và miền núi phía Bắc có số người bình quân một hộ lớn nhất cả nước (3,9 người/hộ); Đông Nam Bộ có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (3,3 người/hộ).
Quy mô hộ bình quân phổ biến trên cả nước là từ 2 đến 4 người/hộ, chiếm 65,0% tổng số hộ. Tỷ lệ hộ chỉ có một người (hộ độc thân) tăng so với năm 2020 (năm 2020: 10,4%, năm 2021: 11,3%); trong đó tỷ lệ hộ độc thân ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (13,4% so với 9,9%). Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có tỷ lệ hộ độc thân cao nhất, tương ứng là 14,2% và 12,5%.
Tỷ lệ hộ có từ 5 người trở lên có xu hướng giảm (2019: 25,1%, năm 2020: 24,3%, năm 2021: 23,7%). Trong đó, Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ hộ từ 5 người trở lên cao nhất cả nước, tương ứng là 31,3% và 26,0%. Đây là hai vùng tập trung nhiều người dân tộc thiểu số, có tập quán sinh sống theo gia đình nhiều thế hệ và có mức sinh cao nên có nhiều hộ đông người.