Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã báo cáo kết quả dự án triển khai thí điểm “Bộ Chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO tại Việt Nam và thành phố Huế”.
Đo lường 22 chỉ số văn hóa
Báo cáo của Việt Nam và thành phố Huế được nộp lên ngân hàng số của UNESCO. Đồng thời, báo cáo toàn cầu của dự án Chỉ số Văn hóa 2030 sẽ được công bố tại Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và phát triển bền vững của UNESCO (Mondiacult 2022) diễn ra từ ngày 28 đến 30/9 tại Mexico.
Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, báo cáo với mục đích chính là xác nhận các kết quả của dự án. Đồng thời, giới thiệu những phát hiện thu được từ quá trình thu thập và phân tích các chỉ số dựa trên khung phương pháp của bộ Chỉ số Văn hóa 2030.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho biết, từ thời điểm khởi động dự án vào tháng 11/2021 đến nay - là khoảng thời gian nỗ lực của nhóm triển khai ở cả cấp quốc gia và tại thành phố Huế.
Bà Phương cho rằng, Chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO là một khung chỉ số chuyên đề nhằm đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa trong việc triển khai các mục tiêu thuộc Chương trình Nghị sự 2030 - vì sự phát triển bền vững tại cấp quốc gia và địa phương.
Với 22 chỉ số được chia thành 4 nhóm bao quát các phương diện quan trọng nhất của phát triển bền vững, từ môi trường đến kinh tế và xã hội. Bộ chỉ số giúp đánh giá vai trò của văn hóa, vừa như một lĩnh vực độc lập, lại như một thành tố xuyên suốt trong các lĩnh vực khác.
Để đảm bảo nguyên tắc này, các chuyên gia đã thu thập và xử lý dữ liệu định lượng và định tính cần thiết cho 22 chỉ số, như: Đầu tư cho di sản, quản lý di sản bền vững, thiết chế văn hóa, đóng góp của văn hóa vào GDP, việc làm trong lĩnh vực văn hóa các doanh nghiệp văn hóa, chi tiêu của hộ gia đình cho văn hóa, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ văn hóa, đầu tư công cho văn hóa, quản trị văn hóa, giáo dục văn hóa - nghệ thuật, giáo dục vì phát triển bền vững, giáo dục đa ngôn ngữ, đào tạo văn hóa, văn hóa vì sự gắn kết xã hội, tự do nghệ thuật, tiếp cận văn hóa, tham gia văn hóa và các quá trình tham gia.
“Qua báo cáo này, chúng ta sẽ nhận được những phản hồi của chuyên gia quốc tế, giúp Việt Nam có thể đóng góp hiệu quả về hiện trạng văn hóa toàn cầu - sẽ được công bố tại Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và phát triển bền vững của UNESCO (Mondiucult 2022) diễn ra vào ngày 28 và 29/9 tại Mexico”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho hay.
Ông Ernesto Ottone R. - Phó Tổng Giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO phát biểu trực tuyến về bộ Chỉ số Văn hóa 2030. |
Văn hóa Việt trong dữ liệu thế giới
“Trong nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu lâu dài, đã phát hiện ra những thiếu sót về vai trò của văn hóa trong xây dựng các chỉ tiêu, đóng góp các chỉ số văn hóa vào đời sống kinh tế. Dựa trên kết quả dự án thí điểm này, Việt Nam sẽ xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế
Theo giới chuyên gia, bộ Chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO tại Việt Nam là dự án quan trọng. Đây là bước đầu, để Việt Nam hội nhập với thế giới trong việc đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa đối với xã hội.
Chuyên gia Emesto Ottone R. - Phó Tổng Giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO - cho hay, đây sẽ là dữ liệu hình thành cái nhìn tổng quan toàn cầu về những đóng góp của văn hóa trong sự phát triển chung. Những kết quả của Việt Nam sẽ được chuyển vào ngân hàng dữ liệu số của UNESCO, nhằm phục vụ việc thiết lập hệ thống dữ liệu toàn cầu về văn hóa.
Trong khi đó, ông Jesús Lavina - Phó Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, khẳng định ý nghĩa của bộ Chỉ số Văn hóa 2030. Đặc biệt trong việc cho biết sự tiến bộ của văn hóa, đóng góp của văn hóa đối với phát triển, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - cho biết, dự án đã cung cấp phương pháp luận, hiện trạng đóng góp của văn hóa ở cơ sở cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên gia - để từ đó xây dựng bộ chỉ số quốc gia trong giai đoạn 2.
“Mong rằng sau dự án, không chỉ Huế mà các tỉnh, thành khác cũng sẽ tham gia, cùng đánh giá vị trí của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - thông qua chính sách hỗ trợ vì mục tiêu phát triển bền vững”, bà Nguyễn Phương Hòa bày tỏ.
Huế được chọn là đại diện để khảo sát giá trị văn hóa cấp quốc gia tại địa phương. Với lịch sử hình thành từ đầu thế kỷ 14 (khi vua Chăm là Chế Mân dâng hai Châu Ô, Rí cho nhà Trần để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân), các chúa Nguyễn (thế kỷ 16 - 18), triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ 18) và 13 đời vua Nguyễn (1802 - 1945) đã để lại tài sản văn hóa vô giá.
Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ những công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền. Tiêu biểu là quần thể di tích Cố đô - sánh ngang hàng với các kỳ quan nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO.
Trong những năm qua, công cuộc bảo tồn di sản theo những tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, đã giúp Huế thu hút đông đảo du khách quốc tế. Từ di sản văn hóa, thế giới biết tới Huế nhiều hơn và đồng thời, cũng thúc đẩy các lĩnh vực khác trong sự phát triển bền vững, lâu dài.