Không được dừng ở... bằng chứng nhận
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đến nay, Việt Nam có 40 di sản được UNESCO ghi danh với 6 loại hình danh hiệu. Trong đó, theo Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Việt Nam có 8 di sản được ghi danh vào Danh sách di sản thế giới, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (công nhận lần 1 năm 1994, công nhận lần 2 năm 2000), Đô thị cổ Hội An (1999), Thánh địa Mỹ Sơn (1999), Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (2003, mở rộng năm 2015), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội (2010), Thành Nhà Hồ (2011) và Quần thể danh thắng Tràng An (2014, di sản hỗn hợp văn hoá và thiên nhiên).
Theo Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, Việt Nam có 12 di sản trong Danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Việt Nam (2008), Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên (2008), Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015, di sản đa quốc gia gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Campuchia), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016), Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam, Hát Xoan Phú Thọ (2017), Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (2019); và 1 di sản trong Danh sách di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là Ca Trù (2009).
Theo Chương trình Ký ức thế giới, Việt Nam có 7 di sản tư liệu, trong đó có 2 di sản tư liệu thế giới (Mộc bản triều Nguyễn và 82 Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc) và 5 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản trường học Phúc Giang, Văn thơ kiến trúc Cung đình Huế, Hoàng Hoa sứ trình đồ).
Cùng với đó, rừng ngập mặn Cần Giờ, châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Đồng Nai, Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm, mũi Cà Mau, Lang Biang là 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài ra Công viên địa chất toàn cầu có Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng. Riêng thành phố Hà Nội được gia nhập Mạng lưới thành phố Sáng tạo.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng, với 40 di sản được UNESCO ghi danh là niềm tự hào sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, “Chúng tôi hiểu rằng mang danh hiệu UNESCO - đó không phải là mục tiêu mà chính là yếu tố xúc tác tích cực góp phần định hướng cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa của các quốc gia.
Ý nghĩa đích thực của mỗi di sản văn hóa sau khi được UNESCO công nhận không chỉ dừng lại ở tấm bằng chứng nhận của UNESCO mà đó là một khối lượng công việc to lớn liên quan đến chính sách, đầu tư và vận động xã hội để phát huy ý nghĩa và giá trị của các di sản phục vụ cho các mục tiêu mang tính nhân văn, hướng thượng của đời sống” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Khai thác thế nào?
Được sở hữu một “kho báu” di sản UNESCO ghi danh đã rất khó nên vấn đề được các chuyên gia quan tâm hơn cả là: Cần khai thác “kho báu” đó như thế nào để vừa phục vụ cho bảo tồn lẫn sinh kế? Nhiều ý kiến đều đồng tình với nhận định mỗi di sản đều thuộc về cộng đồng. Vậy nên, chỉ có thể khai thác chúng một cách hiệu quả và bền vững khi giúp cộng đồng có được kiến thức và sự hiểu biết về di sản cũng như vai trò của mình đối với sự sống còn của di sản ấy.
Bà Tatiana Bogina - Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Trung tâm và Câu lạc bộ UNESCO Ural-Siberia Liên bang Nga đã đưa ra ý kiến: “Việc hiểu chính xác cái gì đang được lưu giữ trở thành lý do chính cho việc bảo tồn chính nó là rất quan trọng. Trong thực tế, thật đáng tiếc, thậm chí nhiều người dân địa phương không biết rằng họ đang sống gần với các vật thể độc đáo. Từ sự thiếu hiểu biết, họ đã đối xử với vật thể không đúng tầm. Và, không có sức mạnh nào có thể khiến họ yêu và thay đổi thái độ đó, ngoại trừ kiến thức”.
Ông Michel Croft – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ và thúc đẩy di sản được UNESCO ghi danh là rất quan trọng. Theo ông Michel Croft, UNESCO cần được các quốc gia đảm bảo việc khai thác các di sản để đáp ứng nhu cầu sinh kế mà không được làm giảm đi những giá trị nổi bật của chúng.
Vì vậy, UNESCO kêu gọi các quốc gia thành viên quản lý các di sản theo cách tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy môi trường, quyền xã hội và văn hóa, tôn giáo, cộng đồng góp phần giảm thiểu sự bất bình đẳng, thúc đẩy công bằng giữa các thế hệ, công bằng và phù hợp với thế giới cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thắng còn đặc biệt lưu ý đến vai trò của những người làm công tác bảo tồn di sản. Theo ông Thắng, họ cần thường xuyên thông tin cho nhân dân, kể cả những người giữ vai trò quản lý trên lĩnh vực văn hóa cùng hiểu rằng các di sản đó không chỉ là cơ hội để tìm kiếm tiềm năng kinh tế, không chỉ là niềm tự hào để chúng ta được hãnh diện với thế giới - mà đó là một trọng trách rất lớn lao.
Ông Nguyễn Xuân Thắng,
Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam