Nhật thực diễn ra ngày 9/3 là nhật thực toàn phần nhưng đường đi của phần Nhật thực toàn phần chỉ qua một phần ở miền trung Indonesia và Thái Bình Dương. Khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) và phía bắc nước Úc quan sát được nhật thực một phần.
Tại Việt Nam tất cả các tỉnh, thành phố đều có thể quan sát được nhật thực một phần với độ che phủ cực đại của nhật thực dao động từ khoảng 20% - 60% tùy từng địa phương.
Các tỉnh, thành phố ở phía nam có độ che phủ cực đại lớn hơn so với phía bắc. Mũi Cà Mau có độ che phủ cực đại lớn nhất, đạt gần 60%. (xem chi tiết thời gian diễn ra nhật thực, thời điểm đạt cực đại và độ che phủ cực đại theo từng tỉnh, thành phố trong bảng dưới bài viết).
Nhật thực toàn phần là hiện tượng thiên văn kỳ thú, xảy ra khi Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời nhìn từ trái đất, để lộ ra lớp khí quyển bên ngoài tuyệt đẹp còn gọi là vành nhật hoa.
Tuy nhiên, việc quan sát nhật thực trực tiếp bằng mắt thường có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho mắt vì vậy người quan sát phải hết sức cẩn thẩn. Lưu ý những điều sau khi quan sát nhật thực như không được quan sát trực tiếp bằng mắt thường.
Việc quan sát nhật thực với một chiếc kính râm (kính đen), phim chụp X-quang, ruột đĩa mềm, băng video không đảm bảo vì những loại này chỉ giảm độ sáng chứ không ngăn được các tia bức xạ có hại.
Quan sát nhật thực một cách gián tiếp hoặc sử dụng kính lọc chuyên dụng như kính lọc của thợ hàn mã số 14 hoặc kính lọc Mặt Trời từ các Câu lạc bộ Thiên văn học.
Người quan sát cũng có thể dùng một tấm bìa để hứng ảnh của Mặt Trời qua một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn nhỏ, hoặc khoét một lỗ tròn nhỏ lên tấm bìa rồi quan sát ảnh của Mặt Trời xuyên qua lỗ tròn đó trên mặt đất.