(GD&TĐ)- Hòa chung không khí hai nước Việt Nam và Lào sôi nổi tổ chức các hoạt động kỉ niệm 35 năm ngày kí Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác (18/7/1977- 18/7/2012) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2012), vừa qua (từ 15/7 đến 20/7), đoàn 109 cựu lưu học sinh Lào (LHS) đã sang thăm Việt Nam.
Năm 1965, cuộc đấu tranh chống Mỹ của hai nước Việt Nam và Lào đang trong giai đoạn cam go, quyết liệt. Đặc biệt năm 1969, vùng giải phóng Xiêng Khoảng của Lào bị Mỹ và ngụy Lào đánh chiếm. Theo yêu cầu của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Việt Nam đã thành lập 4 trường Phổ thông miền núi để đào tạo trên 4.000 học sinh phổ thông các cấp I, II và III chuyển từ vùng giải phóng của Lào sang học tập. Tên gọi của các trường Phổ thông này đã trở nên thân thuộc với các LHS ngày hôm nay. Ai trong số họ cũng thuộc vanh vách trường T1 ở Vĩnh Phú, T2 thuộc Hà Bắc, T3 và T4 ở Thanh Hóa.
Việt Nam, quê hương thứ 2 của cựu LHS Lào
Các cựu LHS của trưởng T3 vui mừng khôn tả khi gặp lại bà Bùi Thị Hạnh, người đã cưu mang nhiều LHS của trường. Ảnh, gdtd.vn |
Các cựu LHS đã thăm lại những ngôi trường cũ, gặp lại thầy giáo cũ, bạn bè cũ, gặp lại những người dân đã đùm bọc cưu mang mình trong những tháng năm nhà trường bị bom đạn chiến tranh đánh phá ác liệt. Đa phần cựu LHS coi Việt Nam, nơi họ đã trải qua tuổi thơ là quê hương thứ 2 của mình.Trong những buổi gặp gỡ ấy, biết bao kí ức hiện về với cựu LHS. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, những nụ cười, nước mắt khi thầy giáo cũ ôn lại những kí ức trong tháng năm tại trường.
Chị Suđala Chăntha vithoong- Vụ trưởng Vụ Tuyên giáo- Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Lào, cựu LHS của trường Phổ thông miền núi số 1 Vĩnh Phú (trường T1) đã không cầm được nước mắt khi thầy Đặng Vũ Trừng, nguyên phó hiệu trưởng nhà trường ôn lại những kỉ niệm không thể nào quên của thầy và trò trong chiến tranh.
Suđala học tại trường T1 năm 9 tuổi, từ lúc không biết một chữ nào của Tiếng Việt. Sang Việt Nam bắt đầu học từ lớp vỡ lòng A-bờ-cờ (A, B, C). Chị nhớ nhất là khi máy bay bắn phá, học sinh và giáo viên phải đội mũ rơm đi học. LHS Lào khi đó được sơ tán trong nhà dân địa phương; được dân cưu mang đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi nên ai cũng có một bố mẹ nuôi.
Tại Thanh Hóa, hai ngôi trường T3 và T4 xưu kia đã không còn trong đợt oanh kích 12 ngày đêm điên cuồng bắn phá miền Bắc của máy bay Mỹ năm 1972. Tuy thế, nhưng anh Bunsay, học trò cũ trường T4 vẫn nhận ra bà Bùi Thị Hạnh, người đã cưu mang mình khi học tại đây trong bom đạn chiến tranh.
Còn bà Hạnh, tuy đã 65 tuổi, mắt kém nhưng vẫn nhận ra Bunsay cùng chị Mani Thoong sơ tán tại nhà bà. Khi ấy, Bunsay cùng vài LHS nữa ở nhà bà Hạnh, anh thường đi bắt lươn, bắt trạch ở ngoài đồng để cải thiện bữa ăn. Cánh con gái thì đi mót khoai, mót sắn. Lúc đói thì ăn luôn khoai sống, sắn sống ở trên đồi, Bunsay kể. Đến nay, khi thăm lại trường cũ, anh vui mừng nhận thấy nông thôn nơi đây đổi thay và phát triển lên rất nhiều. Mừng hơn nữa là được gặp lại ân nhân là bà Hạnh đã từng cưu mang mình trong bom đạn, khó khăn, thiếu thốn.
Biểu hiện sinh động tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào
Chị Sỉ súc Vông Vichít (trái) đang thăm hỏi sức khỏe cụ Phạm thị Đương ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa và hỏi thăm tin tức về ân nhân của mình là bà Loan cùng làng. Ảnh, gdtd.vn |
Tiến sĩ Sỉ súc Vông vi chít- Viện phó Viện quản lý giáo dục Lào thì lại nhớ gia đình bà Loan tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa nơi trường T3 đứng chân xưa kia. Chị Sỉ súc Vông vi chít học tại đây từ năm 1970 đến năm 1972 thì chuyển tiếp lên trường T2 Hà Bắc (Bắc Giang). Chị là một trong 300 học sinh ưu tú nhất các khóa của trường T2 được chọn gửi sang học tại ĐH Lomonoxop tại Liên xô.
Sỉ súc Vông vi chít không thể nào quên được những kỉ niệm khi sơ tán tại nhà bà Loan. Khi ấy, chị và các LHS khác ở tuổi 12, 13 tuổi, sơ tán vào trong những nhà người dân địa phương, được người dân hết mực thương yêu đùm bọc, che chở. Lúc ấy người dân rất nghèo, LHS thường đem phần cơm của mình lên ăn chung với gia đình bà Loan.
Chị nhớ các món mắm tép, dưa cà, rau dền, muối vừng thường được ăn. Cảm động nhất là đồ đạc trong nhà bà Loan không có gì, bà thường nhường giường chiếu, bàn ghế cùng tất cả những gì có thể kê được để ngủ trong nhà nhường cho LHS ngủ. Còn những người trong gia đình thì ngủ ngoài sân, ngoài lều trong vườn.
Thầy Đặng Vũ Trừng kể lại, những LHS Lào đã cùng chia sẻ những khó khăn, vất vả với nhân dân Việt Nam trong chiến tranh. Thiếu thốn mọi bề nhưng LHS đã cùng học Tiếng Việt, SGK Việt, cùng chung chương trình giảng dạy của Bộ giáo dục Việt Nam và học giỏi không kém những học sinh người Việt của những trường Phổ thông khác trong tỉnh. Nhiều em đã được chọn thi HSG tỉnh, có em đạt giải Nhì môn Văn.
Các cựu LHS và các cụ già trong xã Kiên Thọ, những ân nhân nuôi dưỡng, đùm bọc họ trong chiến tranh đang cùng hát bài: "Như có Bác Hồ trong ngatf vui đại thắng". Ảnh, gdtd.vn |
Là một LHS của trường T1, Thứ trưởng- Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Lào Khăm Phăn Phởi Nhạ Vông đã phát biểu trong buổi gặp mặt với các thầy cũ tại trường cũ: Đảng và nhân dân Việt Nam đã tận tình giúp đỡ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào làm nên thành công trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước như ngày hôm nay. Đóng góp vào sự nghiệp to lớn đó phải kể đến là lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trong những năm kháng chiến và cả khi hòa bình lập lại, hàng nghìn con em các bộ tộc Lào được đưa sang học tập tại Việt Nam. Đến nay, họ đã trưởng thành, trở thành những cán bộ giường cột của Đảng và nhà nước CHDCND Lào và những kĩ sư, bác sĩ, những cán bộ đầu ngành trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, các nhà doanh nhân… đang công tác, cống hiến trên mọi miền của đất nước Lào. “Chúng tôi đặc biệt cảm ơn những thầy cô giáo đã không quan ngại gian khó, đã cho chúng tôi, những LHS được ăn, được học trở thành những người có ích cho xã hội”, ông Khăm Phăn Phởi Nhạ Vông nói.
Trong buổi gặp mặt với học trò cũ, thầy Đặng Vũ Trừng đã xúc động nhận định: chuyến thăm của đoàn cựu LHS đã vượt lên ý nghĩa của một chuyến thăm ngoại giao, đây là tình cảm cao quý, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là biểu hiện sinh động, sâu sắc của tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam- Lào.
Bá Hải