Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biển đổi toàn cầu

GD&TĐ - Sáng 15/12 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đã khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”. 

Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biển đổi toàn cầu

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/12/2016. Tham dự phiên khai mạc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan Việt Nam và nước ngoài; cùng gần 1.000 nhà khoa học của các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Diễn văn khai mạc Hội thảo của Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết chủ đề chính của Hội thảo lần này là “Phát triển bền vững trong bối cảnh của biến đổi toàn cầu”, thể hiện sự nắm bắt nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn phát triển Việt nam của những người tổ chức hội thảo.

Chủ đề của Hội thảo nhấn mạnh tới việc nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu, đặt nghiên cứu Việt Nam trong các tương quan và bối cành rộng lớn của thế giới.

Ông Nguyễn Kim Sơn nói: Với quan điểm xem khoa học và công nghệ là động lực, đóng vai trò khơi nguồn cho sự phát triển của mỗi quốc gia, chúng tôi nhận thấy trong bối cảnh thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, văn hóa đa nguyên hóa, vận mệnh của mỗi quốc gia không chỉ có liên quan tới quốc gia đó, mà liên quan mật thiết với toàn thế giới, các nhà khoa học đem trí tuệ và tình cảm của mình đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng chính là đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam học đã dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp.

Phó Thủ tướng cho biết: Việt Nam là nước đang phát triển và đang cố gắng phát triển nhanh, mạnh, phát triển đáp ứng yêu cầu nhưng không được tiêu cực đến giải quyết yêu cầu của tương lai, làm sao để con cháu chúng ta không phải giải quyết hậu quả tiêu cực của ngày hôm nay để lại…

Để Việt Nam đạt được những mục tiêu của mình, rất cần những luận cứ khoa học, các đánh giá, khuyến nghị có tính khoa học của các nhà khoa học.

Những vấn đề mang tính lâu dài và vốn được nhắc đến từ rất lâu như giao lưu văn hóa, đối ngoại, đồng thời kể cả những vấn đề có tính thời sự như biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ...

Phó Thủ tướng bày tỏ niềm tin, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và với chủ đề Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, hội thảo lần này sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị rất hữu ích, thiết thực cho công tác hoạch định và tổ chức chính sách cho Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam, các nhà Việt Nam học quốc tế sẽ giữ vai trò hạt nhân, sẽ là những người giúp đỡ cho các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức của Việt Nam, sẽ đem văn hóa Việt Nam, đem hình ảnh của Việt Nam, đem công việc nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.

So với 4 lần Hội thảo Việt Nam học tổ chức trước đây, Hội thảo lần này lớn hơn về quy mô và phong phú hơn về nội dung khoa học, với 834 bản tóm tắt báo cáo và gần 500 báo cáo toàn văn, trong đó có gần 150 báo cáo của các học giả nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, sự phong phú về nội dung khoa học thể hiện sự quan tâm của các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam.

Hội thảo lần này sẽ tiếp nối sự thành công của 4 lần Hội thảo trước trên tất cả các phương diện, sẽ đem lại cho các học giả những ấn tượng mới, thông tin mới về Việt Nam.

Đồng thời Hội thảo cũng góp phần tăng cường quan hệ giao lưu giữa cộng đồng, mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, thúc đẩy lĩnh vực Việt Nam học phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.