Những con số giật mình
Trong Hội nghị Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới 2018, ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS -KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có chính sách hợp pháp về phá thai, đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Tuy nhiên, tình trạng phá thai vẫn ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên. Kết quả điều tra biến động kế hoạch DS -KHHGĐ thời điểm 4/2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 - 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết.
"Không hẳn là vì mục đích xóa bỏ tai tiếng Việt Nam là quốc gia đứng đầu về phá thai mà vì mục đích nhân văn hơn, để các em gái không còn dại dột mang thai ngoài ý muốn và lãnh những hậu quả nặng nề, đau lòng như chúng ta đã thấy".
Thống kê từ Bệnh viện Từ Dũ, 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện có 14.159 ca đến bỏ thai. Trong số này, phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm hơn 1.000 ca. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 ca đến nạo, phá thai. Tại Bệnh viện Hùng Vương có 7.143 phụ nữ phá thai. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận từ 60 - 70 ca.
Cứ 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có 2 người từng phá thai ít nhất một lần. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Thách thức khó vượt qua
Giải thích nguyên nhân tỉ lệ phá thai ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao, Thạc sĩ Dương Thị Hải Ngọc, đại diện Vụ Sức khỏe Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân có thai ngoài ý muốn do không áp dụng biện pháp tránh thai chiếm 55,6%, 39,5 % do việc thực hiện các biện pháp tránh thai không kiên trì dẫn đến thất bại. Tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại có xu hướng giảm tính từ năm 2011 - 2016. Tình trạng giới trẻ quan hệ tình dục càng ngày càng trẻ hóa và gia tăng trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản còn hạn chế. Các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính trong nhà trường không đủ cung cấp thông tin một cách toàn diện.
Song nguyên nhân quan trọng khiến cho tỉ lệ phá thai còn cao là nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai của phụ nữ trong độ tuổi sinh để từ 15 - 49 chưa được đáp ứng đủ, nghĩa là có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai mà không tiếp cận được được dịch vụ. Về nguyên nhân này, ông Mai Trung Sơn giải thích: Thứ nhất, số người trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng tăng do nhu cầu tình dục lần đầu có xu hướng trẻ hóa, tuổi phụ nữ kết hôn ngày càng cao, giai đoạn sinh hoạt tình dục kéo dài thêm.
Thứ hai, hiện nay nhu cầu đầu tư cho các biện pháp tránh thai mỗi năm cần khoảng 333 tỉ đồng tính theo mặt bằng giá đấu thầu các sản phẩm tránh thai nhưng trên thực tế sẽ gấp nhiều lần con số này vì giá thuốc tránh thai, bao cao su… rất đa dạng, giá chênh lệch rất nhiều so với giá Nhà nước tính toán.. Việc chi ngân sách cho y tế trong 2 năm qua còn chưa đạt so với kế hoạch của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng.
Thứ ba, do nhu cầu biện pháp tránh thai tăng mạnh, có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, các đối tượng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân nhiều… nên việc hoạch định chính sách cho công tác này còn lúng túng. Chính sánh Nhà nước đầu tư cho phòng tránh thai chỉ cấp miễn phí cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách. Nguồn lực viện trợ từ các tổ chức xã hội mấy năm trở lại đây gần như không có. Ngân sách Nhà nước ngày càng khó khăn.
Trước đây Tổng cục Dân số mua bao cao su để cấp miễn phí cho các địa phương nhưng bây giờ các địa phương phải dùng ngân sách của tỉnh để đầu tư cấp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ chính sách trong tỉnh. Không những vậy, còn nhiều rào cản trong việc đấu thầu khiến nhiều mặt hàng như thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai tới các tỉnh còn thiếu.
Ông Sơn dẫn chứng, ngay cả khi Việt Nam được một tổ chức trên thế giới hỗ trợ giá với que cấy tránh thai với giá bán là 8,5 đô la/que (ngoài thị trường đang bán 1,8 triệu đồng/que) nhưng vì trục trặc từ Nghị định 54 nên việc đấu thầu không thành công.
Vì thế, dù Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có nhiều nỗ lực trong công tác KHHGĐ nhưng tỉ lệ phá thai và phá thai không an toàn ở nước ta vẫn là những thách thức không dễ gì vượt qua.