Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao

GD&TĐ - Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao với ước tính khoảng 174.000 bệnh nhân lao.

Tại lễ mít tinh, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã khởi động chương trình điều trị lao tiềm ẩn bằng 3HP. ệnh viện Phổi Hà Nội.
Tại lễ mít tinh, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã khởi động chương trình điều trị lao tiềm ẩn bằng 3HP. ệnh viện Phổi Hà Nội.

Ngày 24/3, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội phối hợp với chương trình chống lao quốc gia đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3).

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác phòng, chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hằng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao hằng năm, trong đó có khoảng 208.000 người chết do lao trong số những người nhiễm HIV.

Đại dịch COVID-19 cũng tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình giảm gánh nặng bệnh lao. Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19 mặc dù ảnh hưởng đó là nhỏ hơn rất nhiều so với thế giới, phát hiện bệnh lao cũng giảm đi hơn 3%.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao với ước tính khoảng 174.000 bệnh nhân lao bao gồm 8.600 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và 13.200 ca tử vong do lao năm 2018.

Tỉ lệ nhiễm lao hàng năm là 1,7% và ước tính khoảng 30% dân số mắc lao tiềm ẩn, tỉ lệ này ở khu vực thành thị trên 40%.

Tại Hà Nội đến nay đã thực hiện 100% dân số được Chương trình chống lao tiếp cận. Hằng năm, chương trình chống lao của TP. Hà Nội đảm bảo 1% dân số được khám sàng lọc lao trên địa bàn. Tỉ lệ phát hiện người bệnh lao dao động ở mức 60 người/100.000 dân.

Đánh giá với số liệu điều tra dịch tễ lao, tỉ lệ số ca bệnh được chẩn đoán trên tổng số bệnh nhân lao dự tính chỉ đạt 67%. TP. Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Tiếp nối chủ đề ngày thế giới phòng chống lao năm 2020 “Biến hiểm hoạ COVID- 19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao”, chủ đề năm 2021 được Chương trình chống lao đưa ra là: “Việt Nam Chiến thắng COVID-19-Chấm dứt bệnh lao”.

Chủ đề muốn nêu rõ từ cuộc chiến chống COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Nếu công tác phòng, chống lao cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo ông Phạm Hữu Thường, Chủ nhiệm Chương trình chống lao TP. Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, để đạt được mục tiêu này chúng ta cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Giải pháp cho tiếp cận chủ động của cộng đồng đó là truyền thông giáo dục giảm thiểu kỳ thị mặc cảm về bệnh lao và có chính sách hỗ trợ cho mọi người dân, không còn rào cản nào khiến họ phải giấu bệnh hoặc bỏ trị.

Đồng thời chương trình chống lao Thành phố phối hợp với các tổ chức, ban ngành đoàn thể tích cực tham gia và ủng hộ hoạt động phòng chống bệnh lao, tăng cường khả năng tiếp cận các phương tiện truyền thông của người bệnh lao giúp cho việc tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; huy động khối đoàn kết toàn xã hội hành động và đầu tư từng bước tiến tới chấm dứt bệnh lao trong thời gian không xa.

Ngoài ra, cần có những chính sách, những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về chuyên môn, tài chính, sự ủng hộ với người bệnh lao, đặc biệt hiểu biết của người dân trong cộng đồng cần được nâng cao hơn nữa; những thay đổi trong các phác đồ điều trị, các phương tiện hiện đại, các thuốc chống lao hiệu quả cần tích cực hơn nữa ngay từ bây giờ. Tất cả những hành động trên là cần thiết để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.