Rotterdam là cảng lớn nhất châu Âu, nằm ở Thành phố Rotterdam, trải dài khoảng 40 km, gồm 5 khu vực riêng biệt, đa chức năng (khu công nghiệp, khu dịch vụ tiếp vận, khu phân phối, khu đóng tàu, cảng container, cảng hàng lâm sản, cảng hàng bách hóa, cảng rau quả, cảng hóa chất, cảng than, cảng chuyên dụng giao nhận ô tô…) với tổng diện tích 105 km2 (mặt đất và mặt nước), trong đó phần đất do Cảng vụ Rotterdam (Port of Rotterdam Authority) quản lý và khai thác rộng 20 km2.
Cảng Rotterdam bắt đầu hoạt động khoảng năm 1640, nhiều tuyến đường biển quốc tế ra đời bắt nguồn từ cảng Rotterdam. Từ năm 1962 đến nay, cảng liên tục được mở rộng phát triển và trở thành một trong những cảng có quy mô trung chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới. Năm 2016, cảng phục vụ khoảng 27.000 tàu viễn dương, 100.000 tàu thuyền nội địa, vận chuyển 82 triệu tấn hàng khô, 223 triệu tấn hàng lỏng, 127 triệu container,...
Cảng đóng vai trò trung chuyển hàng hóa quan trọng giữa châu Âu và thế giới. Từ Rotterdam, hàng hóa được vận chuyển bằng tàu thủy, xà lan sông, tàu hỏa và đường bộ đến các nơi (hàng đến Rotterdam vào buổi sáng có thể đến Anh, Pháp, Đức vào buổi chiều cùng ngày).
Hơn 1/2 hàng hóa của Việt Nam xuất sang châu Âu đi qua cảng Rotterdam. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Đối với Việt Nam, Cảng Rotterdam là một trong những cửa ngõ chính cho hàng Việt vào châu Âu. Hơn 1/2 hàng hóa của Việt Nam xuất sang châu Âu đi qua cảng Rotterdam.
Sau khi nghe các bài giới thiệu, tìm hiểu sâu về việc đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng cảng, vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng, kinh nghiệm thu hút đầu tư vào cảng, việc quản lý, khai thác các cảng tổng hợp và cảng chuyên dụng…, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thông báo phía Hà Lan về Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển của Việt Nam đến 2020 và định hướng đến 2030. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư cảng, dịch vụ vận tải, hàng hoá… của Hà Lan.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mong muốn Hà Lan chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm quý giá về xây dựng và quản lý cảng biển; mong muốn Chính quyền Cảng Rotterdam sớm triển khai hợp tác sâu rộng tại Việt Nam trong lĩnh vực quy hoạch cảng và dịch vụ vận tải hậu cần.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm công trình Động cơ cát. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Tìm hiểu kinh nghiệm chống xói mòn, bảo vệ bờ biển bằng sức gió
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã thăm, tìm hiểu kinh nghiệm mô hình Động cơ cát (Sand Engine). Công trình Động cơ cát là thành quả sáng tạo của Hà Lan trong chung sống với thiên nhiên và là công nghệ áp dụng đầu tiên trên thế giới. Tác giả của công trình là GS. Marcel Stive (Đại học Kỹ thuật Delft, chuyên gia cố vấn cho Việt Nam).
Với tổng chi phí khoảng 70 triệu euro, công trình gồm khoảng 21,5 triệu m3 cát được bơm vào khu vực 128 ha bờ biển hẹp ở Ter Heijde, tạo ra vịnh cát cao 5 m so với mực nước biển, tận dụng gió và thủy triều để phân bổ cát dọc bờ biển một cách tự nhiên, tránh ảnh hưởng hệ sinh thái, giúp giảm xói mòn bờ biển, bảo vệ cư dân ven biển khỏi sóng lớn, tạo ra 35 ha đụn cát và bờ biển tự nhiên mới cũng như hệ sinh thái mới phục vụ công tác bảo tồn và giải trí.
Công trình giúp giảm đáng kể công sức và chi phí bảo vệ bờ biển theo cách truyền thống (đổ cát lấn biển, khoảng 2-5 triệu m3 để gia cố bờ biển với chu kỳ 5 năm/lần, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển). Công trình Động cơ cát được đánh giá có thể tồn tại khoảng 20 năm trước khi tiến hành đợt bơm cát mới, tiết kiệm 50% chi phí so với phương pháp truyền thống trên.
Đến nay, công trình đã thu được kết quả ban đầu như dự đoán, ghi nhận việc xuất hiện hải cẩu, cũng như một số loài thực vật trong khu vực. Công trình là địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi thư giãn.
Công trình là mẫu hình hợp tác ba bên giữa nhà nước, công ty tư nhân và viện nghiên cứu. Thành công của công trình là tiền đề để Hà Lan triển khai áp dụng rộng rãi hơn.