Việt Nam: Hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng dân số

GD&TĐ - Trên phạm vi toàn cầu, hợp tác quốc tế đã chứng tỏ là một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện chương trình Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở các nước, nhất là các nước đang phát triển, trong nhiều thập kỷ qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với Việt Nam, hỗ trợ của quốc tế không chỉ đơn thuần là trợ giúp tài chính mà còn là sự hỗ trợ về các mặt vật tư kỹ thuật, quản lý đào tạo và nghiên cứu, tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận được với những kỹ thuật và công nghệ quản lý tiên tiến trong lĩnh vực DS-KHHGĐ.

Những bài học kinh nghiệm của Việt Nam, đặc biệt là những bài học thành công trong công tác DS-KHHGĐ được các tổ chức của Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Là một trong những tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc sớm có mặt tại Việt Nam, gần 40 năm, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tăng dân số, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại nhanh nhất trong khu vực và đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Chương trình hợp tác Việt Nam-UNFPA tự hào đã có nhiều đóng góp nhất định vào thành tựu lớn lao ấy.

Với vai trò là nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật duy nhất cho Việt Nam trong lĩnh vực dân số lúc đó, khi đất nước đang còn bị cấm vận, UNFPA cùng chung nhận thức với Chính phủ rằng, mọi thành quả phát triển kinh tế-xã hội dù to lớn đến mấy cũng khó đáp ứng nổi những nhu cầu cơ bản của một dân số có quy mô lớn như vậy.

Đặt trọng tâm vào những hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, UNFPA đã triển khai khoảng 100 dự án với số tiền tài trợ khoảng 170 triệu USD, tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao khả năng phân tích, thu thập và xử lý hiệu quả số liệu để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách trong lĩnh vực dân số.

Những hỗ trợ kỹ thuật tích cực từ UNFPA đã giúp Việt Nam tiến hành hiệu quả các cuộc tổng điều tra dân số và cung cấp những số liệu, thông tin đáng tin cậy cho việc hoạch định chính sách, khắc phục điểm yếu lâu nay của Việt Nam về thống kê và phân tích số liệu.

Cùng với việc giúp chính phủ Việt Nam hoạch định chính sách về dân số, UNFPA còn hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tình trạng sức khỏe bà mẹ-trẻ em ở Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tuổi thọ trung bình của phụ nữ tăng từ 67,5 trong giai đoạn 1984-1989 lên 71,6 trong giai đoạn 2002-2006. Số lượng bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong đã giảm đáng kể.

Ủng hộ chủ trương của Chính phủ về việc phân cấp quản lý, UNFPA đã triển khai rất thành công mô hình nâng cao năng lực tại địa phương, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận thông tin còn hạn chế; tăng cường công tác đào tạo, tư vấn về y tế cho tuyến cơ sở để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm thiểu rủi ro.

Với nỗ lực của Chính phủ và sự giúp đỡ có hiệu quả của UNFPA cùng các nhà tại trợ khác, Việt Nam đã đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ tăng dân số và đạt mức sinh thay thế sớm hơn dự kiến. Thay vì giảm tổng tỷ suất sinh xuống mức 2,9 con, qui mô dân số dưới mức 82 triệu người vào năm 2000, đạt mức sinh thay thế vào năm 2015 như mục tiêu của Chiến lược Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế ngay từ năm 2005, quy mô dân số năm 2000 chỉ ở mức 78 triệu người và tổng tỷ suất sinh là 2,3.

Thành tựu nổi bật này đã giúp Việt Nam giành Giải thưởng Dân số Liên hợp quốc năm 1999, đồng thời đóng góp rất lớn vào kết quả xóa đói giảm nghèo ấn tượng mà Việt Nam từng được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại nhanh nhất trong khu vực và đang hướng tới mục tiêu thoát khỏi tình trạng kém phát triển ngay trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

Đại diện UNFPA cho rằng, việc tiếp tục duy trì mức giảm sinh như hiện nay đã tạo cơ thực tiễn để Chính phủ đề ra mục tiêu sớm đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người 1.000 USD/năm vào cuối thập kỷ này.

Nội dung hợp tác Việt Nam-UNFPA thời gian tới sẽ được tiếp tục với các nghiên cứu, dự đoán dài hạn, nhằm giúp Việt Nam chủ động đưa ra các chính sách đón đầu đối phó với những thách thức mới về dân số. Về phía UNFPA, những mô hình thành công sẽ tiếp tục được nhân rộng như cấp cứu sản khoa, làm mẹ an toàn ở khu vực miền núi.

Nâng cao năng lực quốc gia trong lĩnh vực dân số-phát triển. Trong tất cả các chương trình hỗ trợ của UNFPA, nâng cao năng lực quốc gia luôn là một mục tiêu ưu tiên xuyên suốt và đã đạt được những thành quả nổi bật trong chỉ đạo và xây dựng chính sách dân số-phát triển, thu thập và sử dụng số liệu, nghiên cứu và đào tạo về dân số-phát triển.

Trong suốt gần 40 năm qua, UNFPA đã không ngừng hỗ trợ xây dựng tài liệu giảng dạy và tiến hành đào tạo một cách có hệ thống cho hàng trăm ngàn lượt cán bộ y tế, dân số và cộng tác viên cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đặc biệt chú trọng ở tuyến cơ sở. 

Nội dung đào tạo bao gồm chuyên môn kỹ thuật, quản lý y tế, kỹ năng nghiên cứu, theo dõi, giám sát, tư vấn và truyền thông giáo dục dân số-sức khỏe sinh sản với các loại hình đào tạo ngắn, trung và dài hạn. Đội ngũ cán bộ này đã đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Một ưu tiên khác của chương trình hợp tác là đáp ứng kịp thời các nhu cầu cơ bản về phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu, trang thiết bị y tế, phương tiện cấp cứu sản khoa và nâng cấp hệ thống hậu cần và một số cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đặc biệt ở các chu kỳ đầu tiên, ưu tiên tuyến cơ sở và các vùng khó khăn.

Song song với việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, công tác tuyên truyền vận động và truyền thông giáo dục cũng được hết sức chú trọng.

Công tác giáo dục dân số, SKSS trong nhà trường cũng được quan tâm ngay từ những Chương trình đầu tiên cho đến nay. Nội dung giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản đã được tích hợp trong chương trình giáo dục và đào tạo trên toàn quốc.

Nâng cao năng lực xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình/dự án. Nâng cao vai trò làm chủ của Việt Nam

Thông qua việc thực hiện chương trình hợp tác và các khóa đào tạo, một đội ngũ cán bộ quản lý chương trình/dự án đã được hình thành, củng cố và phát triển với những kỹ năng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đội ngũ cán bộ quản lý này cùng với đội ngũ cán bộ chuyên môn đã đóng góp vào thành công của chương trình.

Phương thức quản lý, điều hành và thực hiện chương trình từng bước được hoàn thiện theo hướng nâng cao quyền tự chủ của đối tác địa phương với sự hỗ trợ kỹ thuật của trung ương, nâng cao trách nhiệm và vai trò điều hành của đối tác Việt Nam và áp dụng phương thức quản lý chương trình theo kết quả.

Chính nhờ phương thức quản lý này mà chương trình hợp tác giữa Việt Nam và UNFPA đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong nhiều chương trình phát triển của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ