1. Năm thứ chín liên tiếp, Việt Nam duy trì được “mức sinh thay thế”. Năm 2006, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử công tác DS-KHHGĐ Việt Nam: Đạt “mức sinh thay thế”.
Từ đó đến nay, “mức sinh thay thế” của Việt Nam luôn được giữ vững, ổn định, tạo cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Lần đầu tiên tỷ số giới tính khi sinh giảm xuống còn 112,2/100. Kể từ năm 2006 đến năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2013 là 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái.
Năm 2014 giảm 1,6 điểm phần trăm còn 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái nhờ nỗ lực chung tay vào cuộc của các cấp ngành, địa phương và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, ở mức 112,2/100, Việt Nam vẫn đang trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao.
3. “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên đẻ hai con” đã trở thành thông điệp chủ chốt mang tính định hướng quan trọng trong công tác truyền thông vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý, ổn định quy mô dân số, có cơ cấu dân số hợp lý và từng bước nâng cao chất lượng dân số, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
4. 5 năm thực hiện thành công Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 52/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án với mục tiêu kiểm soát quy mô dân số và chất lượng dân số các vùng biển, đảo và ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách DS-KHHGĐ, các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Sau 5 năm thực hiện, Đề án đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp dân số, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.
5. Hệ thống báo cáo thống kê điện tử chuyên ngành dân số được kết nối trong toàn quốc thay cho hệ thống báo cáo thống kê sổ sách. Hệ thống kết nối thống kê điện tử này đảm bảo việc chuyển nhận thông tin, kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ từ huyện, tỉnh đến Trung ương nhanh chóng, kịp thời, chính xác, phục vụ chỉ đạo, quản lý điều hành công tác DS-KHHGĐ nhanh chóng, hiệu quả.
6. Ra mắt Câu lạc bộ Nhà báo với công tác Dân số và tổ chức thành công Giải báo chí toàn quốc về DS-KHHGĐ. Câu lạc bộ với sự tham dự đông đảo của đội ngũ phóng viên nhà báo, biên tập viên luôn đồng hành với lĩnh vực DS-KHHGĐ.
Giải báo chí toàn quốc về DS-KHHGĐ đã thu hút hàng trăm bài báo trên khắp mọi miền của Tổ quốc, có chất lượng và thuộc nhiều thể loại báo chí khác nhau tham dự.
7. Lần đầu tiên Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 được tổ chức thành công tại Việt Nam thông qua Chiến dịch truyền thông toàn quốc về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Chiến dịch do Tổng cục Dân số-KHHGĐ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… tổ chức đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của quần chúng nhân dân trong cả nước.
8. Báo Gia đình và Xã hội tròn 15 tuổi và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Báo Gia đình và Xã hội là cơ quan ngôn luận của Tổng cục Dân số-KHHGĐ được ra đời vào tháng 1/1999.
Với đội ngũ đông đảo phóng viên, nhà báo vững vàng ý chí, tâm huyết với nghề; Các ấn phẩm và báo điện tử ngày càng phong phú, đa dạng, hiện đại đã góp phần quan trọng vào những thành tựu của sự nghiệp Dân số nước nhà.
9. Ra mắt Bản đồ hóa Dân số Việt Nam. Bản đồ điện tử Dân số Việt Nam được xây dựng trên cơ sở số liệu thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ trên toàn quốc nhằm cung cấp các thông tin về DS-KHHGĐ phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương, vùng và cả nước.
10. Tổ chức thành công Hội nghị về Già hóa dân số khu vực Đông Nam Á. Hội nghị với sự tham dự của 10 nước ASEAN và các đối tác của ASEAN để cùng bàn thảo về vấn đề già hóa dân số của khu vực Đông Nam Á cũng như việc tìm ra các giải pháp thích ứng với sự biến đổi nhân khẩu học ngày càng nhanh của khu vực.
Đây là Hội nghị bên lề của hội nghị 10 nước ASEAN về y tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và nó đã đóng góp vào thành công của Hội nghị.