Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị Hội đồng giáo giới ASEAN

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tham gia Hội nghị Hội đồng giáo giới ASEAN+1 lần thứ 36, đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự thành công chung của Hội nghị.

Đoàn Việt Nam tham gia phiên thảo luận tại ACT+1.
Đoàn Việt Nam tham gia phiên thảo luận tại ACT+1.

Tại Hội nghị các đại biểu nghe báo cáo quốc gia về chủ đề “Phục hồi sau đại dịch: Thiết kế giáo dục sau đại dịch trong một thế giới của kỹ thuật số”. Các nước đều khẳng định, dịch Covid-19 bùng phát đặt ra những thách thức lớn cho giáo dục trong đó có việc trường học tại nhiều nước trên thế giới phải đóng cửa, chuyển hoạt động giáo dục lên nền tảng trực tuyến.

Hội nghị Hội đồng giáo giới ASEAN+1 lần thứ 36 được tổ chức tại thủ đô Jakarta, Indonesia đã thành công tốt đẹp. Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và có nhiều đóng góp trong chương trình nghị sự chung của Hội nghị.

Mặc dù đây là thay đổi mang tính bắt buộc và không có tiền lệ, với những khó khăn ban đầu nhưng quá trình dạy và học trực tuyến đã từng bước được hoàn thiện, được đánh giá sẽ tiếp tục trở thành một xu hướng cần thiết và tất yếu khi thế giới bắt đầu mở cửa trở lại. Việc hài hòa giữa phương pháp truyền thống và trực tuyến, thiết kế giáo dục sau đại dịch trong một thế giới của kỹ thuật số cũng đặt ra nhiều thách thức và rào cản đối với nhiều quốc gia ASEAN.

Vì vậy, Hội nghị Hội đồng giáo giới ASEAN +1 lần thứ 36 đưa ra nhiều nội dung thiết thực để các nước chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau cải thiện chất lượng giáo dục thời kỳ hậu đại dịch, với các phiên thảo luận như: Các giải pháp rút ngắn khoảng cách cách biệt về kỹ thuật số trong giáo dục; Tham gia vào quá trình dạy và học mới; Trao quyền tự chủ cho giáo viên trong lập kế hoạch phục hồi học tập sau đại dịch hay Bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên sau đại dịch.

Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của Hội nghị, với báo cáo quốc gia có chủ đề “Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đại dịch: Những rào cản và biện pháp để cải thiện chất lượng trong thời kỳ hậu đại dịch” và Tham luận chuyên đề “Giải pháp thu hẹp khoảng cách số trong giáo dục”, đặc biệt đoàn Việt Nam nhận được sự đánh giá cao trong việc tham gia các ý kiến đóng góp vào Nghị quyết Hội nghị.

Đoàn Việt Nam tham dự ACT+1 lần thứ 36.

Đoàn Việt Nam tham dự ACT+1 lần thứ 36.

Ông Nguyễn Ngọc Ân- Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cho biết: ACT+1 là một tổ chức giáo giới của giáo viên trong khu vực, đề cập những vấn đề liên quan đến nhà giáo, nhà trường trong bối cảnh thực tiễn. Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của khoảng 600 cán bộ giáo viên đến từ các tổ chức công đoàn giáo dục, công đoàn giáo viên và hiệp hội giáo viên của các nước thành viên gồm Brunei, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc.

Đoàn Việt Nam đã tham gia các phiên thảo luận song phương, đa phương để chia sẻ những kinh nghiệm giáo dục ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian qua. Trong các phiên thảo luận, các nước đều đưa ra dự báo về bối cảnh đổi mới của giáo dục nói chung cũng như sự thích ứng của giáo dục đối với những biến đổi của thế giới, đề ra những giải pháp để phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới nói chung và khu vực nói riêng.

Hội nghị Hội đồng giáo giới ASEAN+1 được tổ chức luân phiên giữa các thành viên của Hội đồng giáo giới các nước ASEAN và Hàn Quốc. Ngoài các phiên thảo luận chính thức, nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ, tổ chức gian hàng giới thiệu đặc sản của các đoàn đại biểu diễn ra trong bầu không khí ấm áp tình hữu nghị, tình đồng nghiệp, để lại những ấn tượng sâu sắc trong mỗi đại biểu tham dự hội nghị. Trong phiên bế mạc, Hội nghị đã thông qua và ký kết Nghị quyết hội nghị, trao cờ đăng cai ACT+1 năm tới cho Malaysia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.