Việt Nam đón mưa sao băng đầu tiên của năm

Quadrantids - một trong những trận mưa sao băng lớn nhất năm sẽ đạt cực điểm vào rạng sáng ngày 4/1 với số sao băng lên tới 50 vệt/giờ.

Vùng trời chứa chòm sao tâm điểm của trận mưa sao Quadrantids. (Ảnh: NASA/Stardex/HAAC)
Vùng trời chứa chòm sao tâm điểm của trận mưa sao Quadrantids. (Ảnh: NASA/Stardex/HAAC)

Thời gian diễn ra mưa sao băng Quadrantids là từ ngày 28/12 đến 12/1 hàng năm, và cực điểm thường khoảng ngày 3-4/1. Theo dự đoán, Đông Á là khu vực quan sát tốt nhất trận mưa sao băng này trong khoảng vài giờ trước rạng sáng (2h-5h sáng).

Tại Việt Nam, thời điểm quan sát tốt nhất là từ sau nửa đêm tới rạng sáng ngày 4/1. Người xem nên nhìn về vùng trời hướng đông - đông bắc.

Năm nay, mặt trăng sẽ lặn sớm và hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều tới khả năng quan sát các vệt sao. Tuy nhiên, theo anh Đặng Tuấn Duy, thành viên Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) thì ở Việt Nam việc quan sát gặp chút khó khăn. Nguyên nhân là lúc cực điểm thì tâm điểm của trận mưa sao băng chưa lên đủ cao so với chân trời để có điều kiện quan sát thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, cực điểm của trận mưa này diễn ra chỉ trong vài giờ, nên người xem cần tranh thủ thời gian để chiêm ngưỡng được như ý muốn.

Cũng theo Tuấn Duy, tại các nơi quan sát gần xích đạo trên bắc bán cầu như Việt Nam, hay ở địa điểm xa các nơi vĩ độ Bắc cao thì tần suất các vệt sao băng chỉ khoảng 30-50 vệt/h, còn ở phía nam xích đạo rất khó quan sát mưa sao Quadrantids. Trong khi ở điều kiện quan sát tối ưu thì có thể lên đến 80-120 vệt sao băng/giờ.

Mưa sao băng Quadrantids diễn ra khi Trái đất trên quỹ đạo của nó đi ngang qua vùng đá bụi vật chất để lại bởi tiểu hành tinh 2003 EH1 (được quan sát lần đầu năm 1825, theo NASA). Dựa theo một số nghiên cứu, vật thể này có thể là một trong các mảnh còn sót lại của một sao chổi khi nó vỡ tan hàng thế kỷ trước, có thề là sao chổi C/1490 Y1.

Hầu hết các trận mưa sao băng được đặt tên theo các chòm sao mà có chứa tâm điểm xuất phát của chúng. Nhưng mưa sao băng Quadrantids được đặt tên từ một chòm sao hiện không còn tồn tại - chòm sao Quadrans Muralis, chòm sao Thước đo góc đỡ trên tường (Wall quadrans). Đây là một dụng cụ được dùng bởi các nhà thiên văn học xa xưa để đo đạc vị trí các sao trên bầu trời.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...