Việt Nam đã cử hơn 2.000 chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước châu Phi

GD&TĐ - Chiều 25/5, Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người” đã diễn ra tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức bằng hình trực tuyến kết hợp với trực tiếp do Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – châu Phi (VAECA) phối hợp với Tổ chức Pháp ngữ (OIF) tại châu Á – Thái Bình Dương đồng tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhân ngày châu Phi (25/5/2022).

Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, chủ đề trên đang là vấn đề cấp bách quan trọng đối với châu Phi. Bởi dự báo đến năm 2030, dân số châu Phi sẽ tăng 1,7 tỷ người, trong đó tầng lớn trung lưu và giới trẻ sẽ tăng nhanh hơn, chiếm khoảng 40% tổng lực lượng lao động thế giới đến cuối thế kỷ 21.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Phước Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), Chủ tịch Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – châu Phi (VEACA) – cho hay: Có một nghịch lý là ở châu Phi, cứ 5 người thì 1 người bị đói, tương đương với 282 triệu người bị đói, hơn 1/3 dân số châu lục bị thiếu dinh dưỡng trong năm 2020, hệ lụy từ các cuộc xung đột, hạn hán, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cuộc khủng hoảng gần đây giữa Nga và Ukraine cũng khiến số lượng người bị đói ở châu Phi gia tăng bởi vì phần lớn các nước châu Phi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì từ cả Nga và Ukraine. Điều này đe dọa đến lộ trình thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của châu Phi đến năm 2030 và Chương trình nghị sự đến năm 2063 của Liên minh châu Phi. Theo một nghiên cứu, ước tính các nước châu Phi mất khoảng từ 1,9% đến 16,5% GDP do trẻ em bị thiếu dinh dưỡng. 

Cũng giống như nhiều nước châu Phi, nông nghiệp là xương sống của nền kinh tế Viêt Nam với khoảng 70% dân số làm nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong 30 năm đổi mới, biến Việt Nam từ một nước đói, thiếu lương thực trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, trong khi đó châu Phi là một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn của thế giới.

Mỗi năm, châu Phi nhập khẩu khoảng 12-13 triệu tấn gạo. Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu gạo cho 35 trên 55 nước châu Phi với tổng trị giá đạt gần 630 triệu USD bao gồm các thị trường chính như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania và Ai Cập…

PGS.TS Lê Phước Minh phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Lê Phước Minh phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Lê Phước Minh thông tin, trong 20 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 2.000 chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước châu Phi trồng lúa, ngô và nuôi cá dưới hình thức hợp tác ba bên như: FAO-châu Phi-Việt Nam, IFAD-châu Phi-Việt Nam hoặc JICA-châu Phi-Việt Nam…

Các chương trình hợp tác đã gặt hái được một số thành công nhất định, giúp năng suất trồng lúa và nuôi cá của một số nước châu Phi tăng lên đáng kể. Với những kinh nghiệm xóa đói, phát triển nông nghiệp, Việt Nam luôn sẵn sàng sát cánh cùng các bạn châu Phi trong công cuộc xóa đói, tự lực tự cường về lương thực, phát triển bao trùm và bền vững.

PGS.TS. Lê Phước Minh nhấn mạnh, là đơn vị nghiên cứu về châu Phi hàng đầu của chính phủ, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cũng như Liên minh hợp tác kinh tế Việt Nam – châu Phi (VAECA) – đối tác công tư mong muốn được phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế, để tổ chức thường niên Ngày châu Phi; coi đây là sự kiện quan trọng để không những chúc mừng bạn bè châu Phi mà còn là dịp để tăng cường hiểu biết, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Phi và phát triển hợp tác Nam – Nam.

Hội thảo quốc tế “An ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người” còn là diễn đàn để các quan chức chính phủ, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam, các nước châu Phi, các nước nói tiếng Pháp và cộng đồng quốc tế chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm và biện pháp phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm những người dễ bị tổn thương trên nguyên tắc các bên cùng có lợi ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ