Việt Nam cần làm gì khi biến chủng Omicron xâm nhập?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, khi phủ hết vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và đủ ngày phát huy tác dụng, Việt Nam có thể sẵn sàng đương đầu với Omicron.

Bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam nhiễm Omicron đã xuất viện.
Bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam nhiễm Omicron đã xuất viện.

Nồng độ virus thấp

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tối ngày 3/1, Việt Nam đã phát hiện thêm 4 ca nhiễm biến chủng Omicron tại Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2). Đây đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron. Tất cả đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP Hồ Chí Minh (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Riêng bệnh nhân ở Hà Nội đã được xuất viện ngày 2/1. Bệnh nhân này không có triệu chứng lâm sàng, sinh hoạt bình thường. Năm trường hợp nhiễm Omicron ở TPHCM cũng có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần. Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, các trường hợp này không có triệu chứng lâm sàng, nồng độ virus thấp và nhanh khỏi bệnh.

Bộ Y tế cho biết đang chủ động bám sát diễn biến dịch Covid-19 do chủng mới Omicron gây ra. Đồng thời, thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt là công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục đánh giá cấp độ dịch. Qua đó, có các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp. Các giải pháp này nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình phức tạp của biến chủng Omicron trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, phù hợp với cấp độ dịch trên địa bàn, từng bước mở cửa hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất đảm bảo đời sống dân sinh.

Chú trọng người nhập cảnh

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch hội truyền nhiễm Việt Nam chia sẻ, biến chủng Omicron (B.11.529) với 34 đột biến trên protein gai. Yếu tố này khiến Omicron có khả năng lây lan nhanh.

“Tuy nhiên, cho tới nay, hầu hết các báo cáo đều cho thấy biến chủng này mang các triệu chứng nhẹ, rất ít tử vong, một vài trường hợp giống như bệnh cúm. Nói vậy, không có nghĩa là chúng ta xem thường Omicron”, chuyên gia cho biết.

Theo GS Kính, Mỹ và các nước Âu châu cũng đang có những biện pháp quyết liệt với Omicron. Nhiều lễ hội đã bị hạn chế, giao thông cũng được chú trọng. Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, điều quan trọng là người dân không chủ quan.

Đồng thời, chấp hành nghiêm túc biện pháp 5K, nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường vận động, uống nhiều nước nóng, ăn nhiều hoa quả. Đặc biệt, không tập trung đông người. “Hãy nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp 5K. Đó là giải pháp hiệu quả nhất đối với Omicron lúc này”, GS Kính nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đức Thái - Cố Vấn Khoa Học và Sáng lập viên TransMed-VN về các giải pháp sống chung với dịch bệnh dẫn chứng, kinh nghiệm ở các nước nhiễm Omicron cho thấy, không thể ngăn chận chủng này xâm nhập từ ngoài vào. “Khi đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nó gia tốc thẳng đứng và mạnh như cơn bão”, TS Thái cảnh báo.

Mặc dù Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn chủng Delta, song, TS Thái khuyến cáo, cộng đồng y tế và xã hội cần cập nhật các tin tức. Quan trọng là kế hoạch kiểm tra, trị liệu đáp ứng cho những F0 Omicron được an toàn.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, Omicron có thể là một biến thể kết thúc của cơn “đại hồng thủy” Covid-19. Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, có thể Omicron không gây tăng nặng như nhiều nghiên cứu dịch tễ đã chỉ ra. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan kinh hoàng (tại Mỹ, số người mắc lên 650.000 ca nhiễm mới mỗi ngày), Omicron sẽ làm quá tải hệ thống y tế nếu không có cách tổ chức bài bản khoa học.

Chuyên gia này cũng chia sẻ, tại Anh, Omicron đã làm lây nhiễm số lượng lớn nhân viên y tế. Tình trạng đó gây thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Các bệnh viện luôn trong tình trạng báo động không chỉ vì ca Covid-19 tăng nặng, mà cả các bệnh lý khác không có bác sĩ, điều dưỡng do bị cách ly.

“Khi phủ hết vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và đủ ngày phát huy tác dụng, chúng ta mới có thể sẵn sàng đương đầu với Omicron”, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Ông cũng nêu rõ, trong lúc chờ đợi, cần hạn chế tối đa sự xâm nhập biến thể này vào cộng đồng. Cụ thể là quản lý người nhập cảnh. “Quy định lấy test nhanh người nhập cảnh, nếu dương tính sẽ giải trình tự gen, cách ly triệt để những ca Omicron trong giai đoạn này là hợp lý”, PGS Nguyễn Lân Hiếu nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.
Học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thực hành thuyết minh giới thiệu về lịch sử.

'Giáo án' đặc biệt

GD&TĐ - Nhằm tạo không gian học tập và trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã thiết kế các khu trải nghiệm lịch sử trong khuôn viên.