Mặc dù, một số nghiên cứu nói rằng Omicron ít gây chết người hơn so với các biến chủng trước, song số người dương tính quá lớn ở nhiều quốc gia đặt ra nguy cơ các bệnh viện lại sẽ sớm quá tải, trong khi các công ty, doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động vì nhân viên phải cách ly.
Theo Reuters, ở châu Âu, ngày 28/12, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Malta đều có số ca kỷ lục. Trong khi đó, ở Mỹ, đây là ngày thứ 7 liên tiếp số ca Covid-19 lập đỉnh mới. Đợt Covid-19 lập đỉnh lần trước ở Mỹ là từ tháng Giêng năm nay.
Tại Australia, số ca nhiễm mới hàng ngày lên tới gần 18.300 vào ngày 29/12, tăng gấp rưỡi so với mức 11.300 ca của hôm trước. Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu rằng Australia cần một thay đổi đột phá để kiểm soát các phòng xét nghiệm đang quá tải.
Nút thắt cổ chai về xét nghiệm cũng diễn ra ở nhiều nước châu Âu. Tại Tây Ban Nha, nhu cầu bộ xét nghiệm Covid-19 miễn phí do chính quyền vùng Madrid cấp đã vượt xa so với nguồn cung, ngoài các hiệu thuốc người dân xếp hàng dài.
Ở nhiều nước, các chính phủ ngày càng lo lắng bởi số người phải tự cách ly ngày càng tăng do đã tiếp xúc với người mang virus. Italia dự định nới lỏng một số quy định cách ly do lo ngại rằng các hoạt động sẽ bị đình trệ do số người phải tự cách ly phòng vệ quá nhiều, khi số ca mắc hôm 28/12 tăng gấp đôi so với ngày hôm trước lên 78.313 ca.
Tại châu Á, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid. Thành phố Tây An bị phong tỏa nghiêm ngặt đã 7 ngày qua khi số ca Covid-19 vẫn tăng, dù chỉ là 151 ca hôm 28/12, quá ít so với các nước khác. Nhiều người đến Tây An công tác đã bị kẹt lại khi thành phố đóng cửa. Hiện vẫn chưa có ca Omicron nào được ghi nhận ở Tây An.
Các nước vẫn đối mặt với chủng Delta lây lan phổ biến lâu nay. Ở Ba Lan, ngày 28/12 có 794 ca tử vong, cao nhất trong làn sóng dịch thứ tư. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Waldemar Kraska nói rằng, hơn 75% trong số người chết chưa tiêm vắc-xin.
Các số liệu trước đó từ Anh, Nam Phi, Đan Mạch cho thấy nguy cơ nhập viện do Omicron giảm so với số ca nhập viện do Delta - theo báo cáo dịch tễ mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, báo cáo cho biết cần có thêm dữ liệu để hiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể bị ảnh hưởng bởi tiêm chủng và/hoặc lây nhiễm trước đó.
Một số nghiên cứu khác cho biết, mặc dù Omicron gây bệnh nhẹ hơn, nhưng với tốc độ lây lan quá nhanh của nó, nguy cơ quá tải y tế đang hiển hiện trên khắp thế giới.
Cảnh giác là không thừa dù ở bất kỳ đâu, khi làn sóng lây nhiễm này diễn ra đúng thời điểm nghỉ lễ năm mới, vốn là thời kỳ tiệc tùng, đi du lịch. Có những quốc gia đang cân nhắc mở cửa các đường bay quốc tế bị đóng lâu nay, nhưng cũng có những quốc gia đã phải đóng cửa đường bay sau một thời gian nới lỏng do nguy cơ dịch bệnh. Quá tải y tế đã đặt ra những bài học kinh hoàng ở Mỹ, châu Âu, nhiều nước châu Á.
Vì vậy, nhiều nước như Italia đã hủy các lễ hội công cộng. Còn ở Nhật Bản, chính phủ kêu gọi người dân chỉ tổ chức các bữa tiệc cuối năm quy mô nhỏ. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của Nhật Bản Norio Ohmagari, cho rằng, nguy cơ lớn nhất là gặp gỡ mọi người mà không có các biện pháp thích hợp để phòng ngừa.