Viết lên hy vọng: Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ

GD&TĐ - Nếu như bạn đang cần tìm lại bầu nhiệt huyết đã mất thì "Viết lên hy vọng" chắn chắn sẽ chỉ đường cho bạn!!!

Viết lên hy vọng: Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ

Vào năm 1994, Erin Gruwell - một giáo viên Ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy lý tưởng - về dạy tại trường Trung học Wilson, Long Beach, California. Như nhiều giáo viên mới ra trường khác, cô phải đương đầu với một lớp toàn những học sinh cá biệt, những thành phần “hết thuốc chữa” và vô cùng “nguy hiểm”.

Lũ học trò cùng nhau dự đoán xem cô sẽ trụ lại trong bao lâu nữa: 1 ngày, 1 tuần, hay cùng lắm là 1 tháng. Thế nhưng chúng không ngờ, cô đã đến và sẽ trụ lại hết quãng đời còn lại của chúng.

Một ngày, từ một sự cố trong lớp học, cô vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra gần như tất cả học sinh trong lớp đều không hề biết gì về cuộc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức và các nước cùng phe trong Thế chiến thứ hai, và dường như chính các em cũng đang là nạn nhân của một cuộc chiến khác - một cuộc chiến không được tuyên bố nhưng lại đem đến rất nhiều đau thương và thống khổ.

Erin quyết định giới thiệu với cả lớp hai cuốn sách viết về lòng khoan dung của con người. Đó là hai cuốn nhật kí có rất nhiều nét tương đồng của Anne Frank - cô bé nạn nhân của cuộc tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai và Zlata Filipovic - người thiếu nữ viết về cuộc sống của mình trong cuộc chiến ác liệt ở Sarajevo.

Từ những nét tương đồng giữa Anne và Zlata với các học sinh của mình, Erin truyền cảm hứng cho các em bắt đầu viết nhật ký về cuộc sống đầy rẫy bạo lực, vô gia cư, phân biệt chủng tộc, bệnh tật và bị lạm dụng... của các em.

Bắt đầu từ cuốn nhật ký truyền tay, các em dần mở lòng theo từng trang giấy, tự tay viết lên những câu chuyện bi hài của bản thân. Rằng các em bị lạm dụng, là nạn nhân của bạo lực gia đình, có vài em từng có thai ở cái độ tuổi phải ăn phải học, có vài bạn học của các em đã vĩnh viễn ra đi…

Tất cả những học sinh đó đều có một điểm chung: Đó là đã quá quen bị nhà trường và xã hội coi như một thứ thừa thải, chúng không thể tìm ra ý nghĩa cuộc sống và mỗi ngày đối với chúng đều là màu đen.

Lần đầu đặt bút lên trang giấy các em rất khiên cưỡng, vụng về, thế nhưng sau đó những điều các em muốn kể lại tuôn trào ra khỏi đầu bút, trải dài bất tận và không có điểm dừng.

Cũng kể từ đó, các em có một nơi khác để giải phóng trái tim sẹo sứt, có một người tình nguyện nghe hết câu chuyện của chúng và trao cho chúng điều chúng cần nhất - hy vọng.

Càng về sau, màn đêm đen kịt trong từng câu chữ đã nhạt dần rồi trở nên xán lạn. Chính cô Erin đã tìm mọi cách giúp các em lấy lại niềm tin vào chính bản thân mình, niềm tin rằng các em cũng có cơ hội để trở thành người có ích cho xã hội, rằng nếu thật sự muốn, các em không những có khả năng thay đổi được cuộc sống của mình mà còn có thể thay đổi cả thế giới.

"Cô Gruwell cũng khuyến khích mình theo đuổi tình yêu đích thực của đời mình, đó là thể thao. Cô nói với mình rằng rất nhiều người mắc chứng khó đọc cũng chơi thể thao rất giỏi, và xem đó như một cách cho những kẻ cười nhạo mình ở lớp học “biết mặt”. Giờ mình đã biết rằng, nếu mình chăm chỉ học và chơi thể thao, mình có thể thành công ở cả hai lĩnh vực" - (Trích Nhật ký 11).

"Giờ bạn đã hiểu vì sao mình lại hứng thú như vậy khi được học lớp cô Gruwell thêm một năm nữa. Vì cô Gruwell quan tâm tới mình, mình cũng bắt đầu quan tâm tới bản thân. Thậm chí mình còn bỏ hẳn trò trốn học.

Mình ghét phải thừa nhận điều này, nhưng đúng là mình đã bắt đầu thích đi học. Mình không thể chờ tới năm sau để lại được học lớp cô Gruwell một lần nữa. Bạn không thể biết trước điều thú vị gì sẽ xảy ra đâu". - (Trích Nhật ký 23).

Những nỗ lực của cô Erin thực sự được đền đáp khi cuốn sách Viết lên hy vọng tập hợp chính những trang nhật ký của cô và các em được xuất bản và làm rung chuyển cả nền giáo dục Mỹ lúc đó.

Từ lần đầu tiên xuất bản (1999) cho tới nay, cuốn sách liên tục được tái bản và là cuốn sách bán chạy trên New York Times. Không những thế, Erin Gruwell và Những Nhà văn Tự do còn giành được giải thưởng Tinh thần Anne Frank danh giá.

Ngoài ra, họ còn từng xuất hiện trên rất nhiều chương trình truyền hình.

Vào năm 2007, bộ phim Nhật ký Những Nhà văn Tự do (Freedom Writers Diary) với kịch bản được xây dựng dựa trên nội dung cuốn sách cũng được chiếu rộng rãi trên khắp nước Mỹ, một lần nữa lại chứng minh thành công của Erin và các học sinh của mình.

Viết lên hy vọng - Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ, cũng chính là lời tri ân thiện mỹ nhất dành cho một nhà giáo vì những vất vả, gian nan mà họ phải trải qua và vì bầu nhiệt huyết cùng lòng say mê, tình yêu mà họ dành cho sự nghiệp “trồng người” của mình!

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.