'Viên phấn vàng' - ký ức một thời của cô giáo đất mỏ

GD&TĐ - Cô Vũ Thị Thúy Hà (SN 1977) Phó Trưởng phòng GD Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã có 25 năm công tác trong ngành Giáo dục.

Cô Hà (đứng bên trái) kiểm tra tại một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NVCC
Cô Hà (đứng bên trái) kiểm tra tại một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NVCC

Từ khi đứng trên bục giảng cho đến làm lãnh đạo cấp phòng, cô đã có những thành tích ấn tượng và được lãnh đạo tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Cô giáo Tiểu học bén duyên với chàng sĩ quan công an

Cô Thúy Hà sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố làm trong quân đội, mẹ là thanh niên xung phong, sau đó đi học ngành sư phạm rồi về dạy tại một trường THCS. Gia đình có ba chị em gái, chị gái lớn theo bố làm trong ngành quân đội, cô em út làm trong ngành ngân hàng, còn cô Hà theo mẹ làm trong ngành Giáo dục.

Giữa năm 1997, cô tốt nghiệp Khoa Sư phạm Giáo dục Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh (nay là Đại học Hạ Long). Hơn hai tháng sau cô được nhận vào Trường TH-THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long). Vài năm sau, trường tách ra thành lập Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo. Sau đó cô được chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo từ tháng 8/2000, kiêm Bí thư chi đoàn giáo viên nhà trường.

“Những ngày đầu mới ra trường, điều tôi lo lắng nhất là không xin được việc. Nhưng may mắn vài tháng sau được nhận vào một trường rất lớn như trường Trọng Điểm nên rất vui. Năm đầu tiên được giao làm Tổng phụ trách đội Thiếu niên nhà trường nên chưa phải đứng lớp. Thời gian này giúp tôi làm quen với môi trường Giáo dục và có thời gian để quan sát, trải nghiệm các môn học. Năm sau được đứng lớp, được giao dạy các môn về tự nhiên, xã hội, lúc đó tôi không thấy bỡ ngỡ nữa”, cô Hà kể.

Thấm thoát đã hơn 20 năm trôi qua, cô Hà không thể quên những kỷ niệm khi còn đứng trên bục giảng. Với cô, tuổi thanh xuân đẹp nhất là được giảng dạy các em học sinh Tiểu học, rèn từng nét bút cho đến tiếng tập đọc ê, a.

Vài năm sau, cô bén duyên với chàng trai là sĩ quan trong ngành công an. “Lúc đó chồng tôi mơ ước lấy được vợ làm giáo viên nên khi cưới về, anh ấy rất yêu thương tôi. Đặc biệt từ khi chúng tôi có con nhỏ, tôi thường hay thức khuya soạn bài và tham gia các kỳ thi, cuộc thi. Lúc đó anh luôn động viên và ủng hộ, thường xuyên chăm sóc con, phụ việc nhà giúp tôi để tôi yên tâm công tác. Đến bây giờ anh ấy vẫn vậy”, cô Hà vui vẻ nói.

Cô Vũ Thị Thúy Hà, Phó Trưởng phòng GDPT, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh. Ảnh: NVCC

Cô Vũ Thị Thúy Hà, Phó Trưởng phòng GDPT, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh. Ảnh: NVCC

Danh hiệu “Viên phấn vàng”

Sau những năm công tác, dạy học ở trường tiểu học, cô Hà đạt được những thành tích ấn tượng. Từ năm 1997 đến 2004, cô là giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp thành phố, giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh, là giáo viên cốt cán cấp tỉnh trong quá trình thực hiện thay sách giáo khoa năm 2000.

Năm học 2003 - 2004, cô được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn cử tham gia dự thi Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia và đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Toàn quốc. Cô Hà là thủ khoa của hội thi khu vực phía Bắc, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen đạt thành tích Giáo viên dạy giỏi bậc Tiểu học cấp Quốc gia và tặng danh hiệu “Viên phấn vàng”. Cô còn được Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Cô Thúy Hà cho biết, rất ấn tượng với danh hiệu “Viên phấn vàng”. Đây là món quà quý giá nhất được ghi nhận trong sự nghiệp dạy học của bản thân.

“Ngày đó Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia và chia thành 5 cụm thi trên toàn quốc. Tại cụm số 1 gồm 14 tỉnh miền núi phía Bắc gồm có cả Quảng Ninh và thi tại Yên Bái. Mỗi một tỉnh sẽ có 5 giáo viên đi thi. Khi đi thi như vậy sẽ có các giải liên quan. Giáo viên nào đạt được điểm cao sẽ xếp loại xuất sắc và trong số những giáo viên đạt xuất sắc sẽ chọn ra một người xuất sắc nhất để trao danh hiệu “Viên phấn vàng” và tôi được trao danh hiệu này nên rất vui”, cô Hà chia sẻ.

Theo cô, mỗi một cụm thi chỉ có một người được trao danh hiệu “Viên phấn vàng”. Trong nội dung sẽ có hai tiết dạy, một là bốc thăm và tự chọn. Đối với tiết dạy bốc thăm sẽ đến cuộc thi rồi mới bốc thăm để soạn giảng, còn tiết dạy tự chọn là được chuẩn bị trước môn học mình yêu thích. Ngoài ra, còn phải có một sáng kiến kinh nghiệm.

Chị Hà (đứng giữa) trong một chuyến công tác tại một điểm trường ở huyện Hải Hà. Ảnh: NVCC

Chị Hà (đứng giữa) trong một chuyến công tác tại một điểm trường ở huyện Hải Hà. Ảnh: NVCC

Có nhiều sáng kiến khi làm lãnh đạo cấp phòng

Với những thành tích đạt được, cô Hà được điều động về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh từ tháng 1/2005 cho đến nay.

17 năm công tác tại sở, cô đã trải qua các vị trí như chuyên viên, lãnh đạo các phòng thuộc sở, phụ trách chuyên môn cấp Tiểu học toàn tỉnh. Có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu, quản lý về lĩnh vực Giáo dục Tiểu học, hằng năm, cô đều nghiên cứu, viết các sáng kiến kinh nghiệm nhằm góp phần thực hiện đổi mới Giáo dục Tiểu học tại địa phương.

Các sáng kiến đã được công nhận ở cấp tỉnh, cấp cơ sở của cô như: “Nâng cao chất lượng giáo dục các trường tiểu học khu vực miền núi, hải đảo Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2015”; “Một số phương pháp, hình thức giúp cha mẹ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học”; “Giải pháp chuyển đổi mô hình dạy học 1 buổi/ngày sang dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học thuộc địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh”; “Một số kinh nghiệm trong công tác tham mưu chỉ đạo xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2015 - 2020”; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh tiểu học tại Quảng Ninh”…

Trong thời gian công tác, cô Hà luôn được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến, 10 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Cô cũng nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen từ các cấp; Đặc biệt là Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

“Với cương vị là lãnh đạo đơn vị, cá nhân tôi đã cùng tập thể lãnh đạo xây dựng phòng công tác đoàn kết, thống nhất, vững mạnh. Đặc biệt là triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô Hà cho biết.

Theo cô, trong những năm học tiếp theo, khi chương trình mới đòi hỏi phải đạt các mức độ cao hơn, thực chất hơn, bản thân đã xác định tiếp tục phải cố gắng hơn nữa để tham mưu triển khai thành công chương trình mới ở cấp Tiểu học một cách khoa học, hiệu quả;

Tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức đổi mới từ giáo viên đến cán bộ quản lý ở cấp học, từ lãnh đạo cơ sở đến lãnh đạo địa phương định hướng đúng tinh thần của Chương trình GDPT mới, hướng tới mục tiêu cuối cùng là học sinh;

Chủ động trong tham mưu xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ của cấp học. Chỉ đạo gắn việc xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường với việc tăng cường kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.