Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện bộ, ngành, địa phương đã tham dự Lễ phát động.
Lan tỏa giá trị nhân ái
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cùng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và các cơn bão liên tiếp tại tỉnh miền Trung khiến ngành Giáo dục gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, điện, vệ sinh môi trường, nước sạch...
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ các trường học vượt qua khó khăn, có điều kiện tốt hơn để dạy và học.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai Chương trình “Điều ước cho em”.
Chương trình nhằm vận động kết nối nguồn lực, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để hỗ trợ học sinh, thúc đẩy phát triển giáo dục tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng, Nhà nước và cả xã hội luôn chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng.
Tuy nhiên, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thấy đây là trách nhiệm hàng đầu, chứ không chỉ trông vào các nhà tài trợ, tấm lòng thiện nguyện. Dù còn nghèo, khó khăn, nhưng nếu chúng ta chú ý hơn đến học sinh ở những nơi còn khó khăn, chắc chắn vẫn có thể đầu tư, quan tâm nhiều hơn; trực tiếp nhất là ngành Giáo dục, các thầy cô giáo ở vùng khó khăn.
Chung tay vì “Điều ước cho em”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở: Có những điều ước tưởng chừng ai cũng biết nhưng khi nghe lại khiến chúng ta day dứt hơn như: Làm sao để các cháu học sinh có nhà vệ sinh sạch; bữa ăn trưa đủ cơm, rau và có cá, thịt, để các cháu được ăn no và tiếp tục học buổi chiều... Đó cũng là ý tưởng ban đầu của Chương trình “Điều ước cho em”.
Theo Phó Thủ tướng, hôm nay là những điều ước đơn giản như có nhà vệ sinh sạch, bữa ăn trưa đủ no và có đủ áo ấm; nhưng mai đây phải lo cho các cháu có bữa ăn đủ dinh dưỡng, có khu vui chơi để rèn luyện sức khỏe. Thầy, cô phải đổi mới phương thức dạy - học, để học sinh học mà chơi, chơi mà học. Tiến tới, học sinh được học tập, giao lưu với bạn bè quốc tế, học những môn năng khiếu yêu thích, hay được người lớn lắng nghe nhiều hơn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chương trình “Điều ước cho em” không phải là một sự khởi đầu mà đã có hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân, những tấm lòng thiện nguyện lặng lẽ làm từ nhiều năm. Với cách làm mới, Chương trình không chỉ nhận tiền tài trợ, mà còn trở thành điểm kết nối, hỗ trợ các nhà hảo tâm, cấp ủy Đảng, chính quyền.
Tất cả trường học, thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, tình nguyện viên cập nhật lên Chương trình những yêu cầu thiết thực nhất ở trường, lớp mình. Những yêu cầu về vật chất, tinh thần được truyền tải, phân thành nhóm cụ thể, để chính quyền làm, cộng đồng hỗ trợ và ngành Giáo dục tham gia.
Những hỗ trợ được kết nối lại để không trùng lắp, được sử dụng tối ưu nhất, đều được công khai kết quả để cộng đồng tham gia giám sát. Đấy chính là hành động cụ thể, thiết thực thể hiện nhà trường, gia đình, xã hội cùng chăm lo cho tương lai con em chúng ta.
Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Trong những năm qua, với mục tiêu phát triển và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ GD&ĐT đã tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng thông qua các Luật, Nghị định của Chính phủ, Đề án của Thủ tướng Chính phủ.
Với sự quan tâm đó, công tác phát triển giáo dục và đào tạo tại các vùng này đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, công tác phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, huyện, xã ngay trong cùng một địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, để tăng cường công tác phối hợp và thể hiện sự cam kết triển khai Chương trình, các cơ quan đơn vị đã triển khai một số nội dung chính như: Xây dựng hoàn thiện hệ thống công nghệ hỗ trợ các cơ sở giáo dục và địa phương cập nhật, tổng hợp số liệu về các nhu cầu hỗ trợ dành cho học sinh, giáo viên và nhà trường. Tập hợp nguồn lực và lập kế hoạch phân bổ nguồn lực hỗ trợ cho học sinh, giáo viên và cơ sở giáo dục có nhu cầu trong toàn quốc.
Để triển khai được nhiều nhất điều ước cho học sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị ngành GD-ĐT các cấp trong toàn quốc tham mưu lãnh đạo chính quyền chỉ đạo và tập trung chỉ đạo nhà trường thống kê, đăng ký nhu cầu cụ thể của học sinh, giáo viên lên trên Cổng Nhân đạo quốc gia (Inhandao); chủ động phối hợp đơn vị liên quan tại các xã (tổ chức Đoàn/Đội, Chữ thập đỏ, cán bộ bưu điện xã) triển khai hoạt động Tổ tình nguyện hoạt động hiệu quả.