Việc nhàn, lương cao?

GD&TĐ - Công việc nhàn hạ, thu nhập cao là mong ước của hầu hết tất cả mọi người. Thế nên câu chuyện mất tích gần 2 tuần của nữ sinh ở Phú Yên vừa rồi không mới nhưng vẫn khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Chuyện bắt nguồn từ chiều 5/6, N.T.T.N. (16 tuổi, trú tại thị xã Sông Cầu, Phú Yên) thông báo với gia đình sẽ vào TPHCM tìm việc. Một ngày sau, N. thông báo đã đến nơi an toàn, tuy nhiên mất liên lạc sau đó ít giờ.

Nghĩ con gái mất tích, ông H. - bố của N. - đã báo công an, loan tin trên mạng xã hội và nhờ báo chí vào cuộc. Khoảng một tuần sau, N. điện thoại báo vẫn khỏe mạnh và đang ở Campuchia.

Trong quá trình tìm kiếm N., gia đình ông H. cho biết đã nhận được nhiều cuộc gọi, yêu cầu nộp hàng chục triệu đồng để con gái được tự do.

“Lần đầu tiên họ đòi 70 triệu đồng để chuộc N. về, những lần sau đó, đối tượng này hạ giá xuống còn 30 triệu đồng. Gia đình tôi cũng thống nhất nhưng yêu cầu nếu cháu N. đang ở Campuchia thì thả người qua biên giới sẽ nhận được tiền ngay, nhưng họ im lặng rồi tắt máy”, ông H. kể.

Đến ngày 18/6, sau nhiều nỗ lực, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) thông báo đã tìm được N. và bàn giao lại cho gia đình.

Lạ ở chỗ, thông tin về việc nhiều người bị lừa đảo sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” không phải là hiếm. Ngày 17/6, một phụ nữ ở Cái Nước (Cà Mau) gửi đơn đến Công an huyện cầu cứu về việc em trai bị lừa bán sang Campuchia làm việc.

Theo đơn trình báo, em trai của người phụ nữ trên đọc thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội sang Campuchia làm việc. Công việc khá đơn giản, chỉ ngồi máy tính gõ khoảng 40 từ (được soạn sẵn)/phút để nhận mức lương khoảng 25 triệu đồng/tháng.

Mới đây, người em trai đã gọi điện về nhà, cầu cứu gia đình nộp 100 triệu đồng để được trả tự do.

Trước đó, ngày 7/6, Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thông tin đã giải cứu thành công 5 cháu gái tuổi từ 13 đến 15, bị dụ dỗ vào phía Nam làm việc với mức lương cao.

Đến ngày 21/6 vừa rồi, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi cảnh báo về việc phải cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội để lừa sang Campuchia làm việc phi pháp. Cảnh báo trên được phát đi sau khi cơ quan chức năng tiếp nhận đơn đề nghị giải cứu của 8 trường hợp là công dân trên địa bàn có người thân bị lừa sang Campuchia, bị cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc.

Liệt kê ra những vụ việc trên để thấy hiện tượng mời gọi, dụ dỗ sang Campuchia làm “việc nhàn, lương cao” để rồi bị cưỡng bức, đòi tiền chuộc đã diễn ra trên diện rộng. Cơ quan chức năng, đương nhiên, đã nắm được tình hình, tuy nhiên, để có được cơ may trở về với gia đình như trường hợp của N. không phải là nhiều.

Thông tin xuất hiện nhan nhản trên báo chí, cảnh báo của cơ quan chức năng ngày càng dày đặc… vậy mà vẫn có người tin rằng có những công việc nhàn hạ, hưởng thu nhập cao ngất ngưởng để rồi phải trả giá, thậm chí là bằng tính mạng. Cũng không thể trách họ ngây thơ, kém hiểu biết hay mơ tưởng hão huyền. Bởi mưu cầu của con người đơn giản mà thực tế là việc nhàn, lương cao.

Việc đáng và cần thiết là làm thế nào, để cuộc sống của họ tốt hơn, nhiều cơ hội tự nuôi sống bản thân và gia đình và ít trông chờ vào những công việc nhẹ nhàng với thu nhập cao được vẽ vời, bày đặt lan tràn trên mạng xã hội hay những lời dẫn dụ quyến rũ đến mê mụ của những kẻ bất lương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ