Xây dựng hình mẫu trên không gian mạng và dự án khởi nghiệp sinh viên
Anh Nguyễn Quang Linh, Bí thư Đoàn phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức (TPHCM), cho biết: Năm trước, Đoàn Thanh niên triển khai rầm rộ các phong trào hướng nghiệp, khởi nghiệp của thanh niên gắn với chủ đề công tác năm “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”. Tuy nhiên, những phong trào này đang dần lắng xuống và không còn mạnh mẽ do những đợt dịch Covid-19.
Như vậy, cần có giải pháp gì giúp con đường khởi nghiệp của thanh niên trở nên bền vững và hiệu quả hơn, tránh nặng tính phong trào? Rõ ràng đây là vấn đề nan giải cần tổ chức Đoàn các cấp sớm có được “đáp án”, nhất là trong trạng thái bình thường mới với Covid-19.
Cũng theo anh Linh, thực tế hiện nay, ngoài những lợi ích về cập nhật thông tin, mạng xã hội đang dần khiến một bộ phận thanh niên xa rời các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức. Thậm chí, nhiều người đánh đổi cả nhân phẩm để lấy sự nổi tiếng ảo. Mong rằng, Ban Bí thư T.Ư Đoàn quan tâm và có hướng tiếp cận để đưa ra các giải pháp kịp thời.
“Tôi cho rằng, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn với xây dựng hình mẫu thanh niên sống đẹp, sống có ích trên không gian mạng. Đồng thời mở các cuộc thi gắn với các trào lưu đang thịnh hành hiện nay”, anh Linh nhấn mạnh.
Ông Lê Yên Thanh, Founder, CEO Phenikaa MaaS, cho biết, có nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm ở trong và ngoài nước đã liên tục tìm kiếm và ươm tạo nhiều dự án khởi nghiệp của người Việt trẻ. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận khởi nghiệp vẫn chưa được quan tâm nhiều là các dự án khởi nghiệp của sinh viên.
“Đặc thù của các dự án này là xuất phát từ ý tưởng của sinh viên và được ươm mầm qua các cuộc thi của trường. Do bị giới hạn về tài chính và kiến thức chuyên môn nên các dự án này khó có thể trở thành các dự án khởi nghiệp thực thụ, hoàn thiện được sản phẩm và được các quỹ khởi nghiệp chú ý đến”, ông Thanh nói.
Cũng theo CEO này, một số trường đại học có câu lạc bộ, nhóm chuyên môn hỗ trợ. Tuy nhiên chất lượng, phạm vi không đồng đều. Do vậy, sinh viên phải mất nhiều thời gian, kinh phí và phải rất nỗ lực để có thể biến ý tưởng thành một khởi nghiệp thực sự và tiếp cận với các quỹ đầu tư. Đa phần các dự án kết thúc sau khi các bạn ra trường đi làm. Chính điều này đã làm cho hệ sinh thái khởi nghiệp mất đi rất nhiều ý tưởng và dự án tiềm năng.
Bởi thế, nếu T.Ư Đoàn làm đầu tàu để thành lập một trung tâm, tạm gọi là CLB khởi nghiệp sinh viên, sẽ chắp cánh cho các bạn trẻ trên hành trình khởi nghiệp. CLB này sẽ là nơi đại diện để xây dựng một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho sinh viên và học sinh, sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ, chương trình đào tạo, kết nối sinh viên các trường và các dự án... Mục tiêu là cùng nhau biến dự án khởi nghiệp sinh viên được triển khai trong thực tiễn.
Tạo việc làm và hỗ trợ đầu ra
Chị Lâm Như Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre, cho hay: Tỉnh hiện có khoảng 16.500 thanh niên bước vào tuổi lao động. Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, gần đây tình trạng thất nghiệp trong thanh niên có xu hướng tăng. Chất lượng việc làm không cao, năng suất lao động thấp, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp khu vực đô thị trên 2%, thiếu việc làm ở khu vực nông thôn gần 4%.
Cùng với đó, thanh niên đi làm ăn xa ngày càng đông, trong khi số trụ lại địa bàn phần lớn có việc làm không ổn định, thu nhập thấp dẫn đến chất lượng cuộc sống chậm được nâng lên. Trong số đó, có nhiều cán bộ Đoàn ấp, khu phố, đoàn viên trên địa bàn dân cư. Thực tế này khiến công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tại địa phương ngày một khó khăn hơn.
Trước trăn trở đó, chị Quỳnh mong trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên có nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tạo việc làm, thu nhập ổn định cho cán bộ Đoàn cũng như cho thanh niên trên địa bàn dân cư. Mong rằng, ít nhất trong 5 năm nữa, thanh niên cần có việc làm, khởi nghiệp sẽ nghĩ ngay đến việc gặp bí thư Đoàn xã. Đồng thời, bí thư, phó bí thư Chi đoàn ấp, khu phố đều được Đoàn hỗ trợ tạo thu nhập ổn định và hưởng chính sách đặc thù để anh em hăng hái và tích cực cống hiến hơn nữa.
Bà Nguyễn Phượng Thư, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang, chia sẻ: Trải qua hơn 5 năm hoạt động, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh đã dần ổn định. Trung tâm đã thành lập nguồn Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp xã hội hóa, thành lập Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp và đặc sản địa phương nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời tư vấn định hướng cho các dự án khởi nghiệp…
Tuy nhiên, thực tế, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên luôn có những hạn chế. Vì vậy, cần tổ chức hỗ trợ như kết nối với các đơn vị cung ứng đầu ra sản phẩm khởi nghiệp, nông sản của thanh niên theo từng khu vực. Mục đích để thuận tiện cho quá trình vận chuyển hàng hóa, bán sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần có những chương trình tập huấn cụ thể, phù hợp với xu hướng kinh doanh từng thời kỳ, từng năm cho đối tượng cán bộ Đoàn phụ trách ở cấp tỉnh và tương đương. Từ đó để kịp thời triển khai, tuyên truyền cho thanh niên địa phương mình.