Báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thực hiện có tiêu đề “Giải quyết khủng hoảng việc làm cho thanh niên do đại dịch COVID-19 gây nên tại châu Á và Thái Bình Dương”.
Nguy cơ “thế hệ bị phong tỏa”
Thanh niên bao gồm những người trong độ tuổi từ 15-24 bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người trưởng thành từ 25 tuổi trở lên trong cuộc khủng hoảng. Họ cũng có nguy cơ phải gánh chịu những chi phí kinh tế và xã hội cao hơn trong thời gian dài hơn.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19, thanh niên ở châu Á và Thái Bình Dương đã phải đối mặt với những thách thức trên thị trường lao động, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và tỷ lệ lớn thanh niên không được tham gia học hành và không có việc làm.
Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực là 13,8%, trong khi tỷ lệ này của người trưởng thành là 3% và hơn 160 triệu thanh niên, tương đương với 24% dân số ở tình trạng không có việc làm mà cũng không tham gia học hành hoặc đào tạo.
4/5 lao động trẻ trong khu vực làm công việc phi chính thức, tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ của người trưởng thành, và cứ trong bốn lao động trẻ thì có một người phải sống trong điều kiện nghèo cùng cực hay nghèo vừa phải.
Bà Sara Elder, tác giả chính của báo cáo, Trưởng bộ phận Phân tích Kinh tế và Xã hội Khu vực của ILO, cho biết: “Những thách thức trong thời kỳ tiền khủng hoảng đối với thanh niên nay đã tăng lên bội phần do đại dịch Covid-19. Nếu không được quan tâm thích đáng, khủng hoảng này có nguy cơ tạo nên một “thế hệ bị phong tỏa”, họ sẽ phải gánh chịu hệ quả gây nên bởi cuộc khủng hoảng này nhiều năm sau nữa”.
So với quý I năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý đầu năm 2020 đã tăng lên tại 6/9 nền kinh tế bao gồm Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam cũng như Hồng Kong, Trung Quốc với mức tăng lớn nhất là 3%. Ở tất cả các nền kinh tế này, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đều tăng cao hơn tỷ lệ này của người trưởng thành.
Dự báo, 13 quốc gia trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương có thể sẽ phải gánh chịu mức tổn thất 10 đến 15 triệu việc làm cho thanh niên (tương đương với việc làm toàn thời gian) trong năm 2020. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng bao gồm thương mại bán buôn bán lẻ và sửa chữa; sản xuất; dịch vụ thuê mướn và kinh doanh; dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Khuyến nghị biện pháp ứng phó cấp bách
Đại dịch COVID-19 cũng khiến cả việc giáo dục đào tạo buộc phải tạm ngừng, và tác động đến quá trình chuyển dịch của thanh niên đến thị trường lao động cũng như dịch chuyển trong thị trường lao động.
Với cuộc khủng hoảng đang diễn ra, báo cáo khuyến nghị cần có những biện pháp ứng phó cấp bách, quy mô lớn và có mục tiêu bao gồm cả trợ cấp tiền lương cho thanh niên và các chương trình việc làm công, cũng như các biện pháp giảm thiểu tác động đối với học sinh sinh viên mà việc học hành đào tạo bị gián đoạn. Đồng thời giảm nhẹ những vết sẹo có thể để lại trong tương lai đối với hơn 660 triệu thanh niên trong khu vực.
Ông Paul Vandenberg, tác giả chính, Chuyên gia Kinh tế cao cấp thuộc Ban Nghiên cứu Kinh tế và Hợp tác Phát triển Khu vực của ADB, cho biết: “Việc ưu tiên vấn đề việc làm cho thanh niên trong quá trình phục hồi hậu COVID-19 sẽ cải thiện triển vọng tương lai của châu Á và Thái Bình Dương vì tăng trưởng bao trùm và bền vững, chuyển đổi nhân khẩu học và ổn định xã hội.”