Việc giáo viên ở Mường Nhé “mắc kẹt”: Ông bí thư “chậm 12 ngày” để làm 1 việc… thừa!

GD&TĐ - Báo GD&TĐ đã đăng tải loạt bài viết về việc Bí thư huyện ủy Mường Nhé viện lý do “bận đại hội”, khiến nhiều giáo viên “mắc kẹt”, không thể chuyển công tác. Ngày 28/8, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến năm học mới, huyện ủy Mường Nhé đã đồng ý cho 18 giáo viên đi liên hệ chuyển công tác.

Trụ sở huyện ủy Mường Nhé.
Trụ sở huyện ủy Mường Nhé.

Bí thư bận họp, 18 giáo viên chỉ còn 5 ngày 

Báo GD&TĐ đã đăng tải các bài viết: Bí thư huyện Mường Nhé (Điện Biên) ra kết luận nửa vời: 14 giáo viên “mắc kẹt”; “Việc Bí thư Mường Nhé ra kết luận nửa vời, 14 giáo viên mắc kẹt: Lấy lý do bận… đại hội, “người nhà” dọa phóng viên?”. Đặc biệt là bài viết “Việc 14 giáo viên ở Mường Nhé “mắc kẹt”: Bí thư “chiếm quyền” Chủ tịch huyện?” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Ngày 28/7, Báo GD&TĐ làm việc với ông Nguyễn Quang Hưng - Bí thư huyện ủy Mường Nhé để làm rõ lý do vì sao nhiều giáo viên đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, có nguyện vọng chính đáng lại không được chuyển công tác về gần với gia đình, chồng con. Ông Hưng viện lý do “bận tổ chức đại hội” nên chưa xem xét.

“Chúng tôi đang tính 11/8 đại hội xong, thì khoảng 15 - 16/8 sẽ tập trung làm (giải quyết nguyện vọng cho giáo viên). Thời điểm đó vẫn là dịp để giáo viên đang nghỉ hè, chứ chưa phải là đã vào năm học mới”, ông Hưng nói.

Ông Hưng đã nói vậy, song phải đến ngày 28/8, Ban thường vụ (BTV) huyện ủy Mường Nhé mới tổ chức họp xét nguyện vọng của từng giáo viên. Người tham gia cuộc họp cùng BTV huyện ủy Mường Nhé là hiệu trưởng các trường học có giáo viên xin chuyển. Trước đó, chính những hiệu trưởng này đã ký duyệt vào đơn của mỗi giáo viên trước khi gửi lên phòng GD&ĐT huyện để tổng hợp, xét duyệt.

“Anh có thấy thừa không? Một động tác rất thừa trong khi ở các địa phương khác người ta tôn trọng quyết định của bên phía chính quyền và cơ quan chuyên môn. UBND huyện chỉ cần trình bày, báo cáo, BTV sẽ cho ý kiến là đồng ý hay không chứ không phải là mời hiệu trưởng người ta lên để làm những việc rất thừa như thế!”, một cán bộ huyện Mường Nhé chia sẻ.

Ngày 28/8, BTV huyện ủy Mường Nhé ban hành Thông báo số 02-TB/HU về việc cho giáo viên liên hệ chuyển công tác. Hôm ban hành thông báo cũng đã chậm muộn so với “dự kiến” ban đầu của Bí thư huyện ủy đúng 12 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc 18 giáo viên đã mất đi 12 ngày. Họ chỉ còn vỏn vẹn 5 ngày để liên hệ công tác và hoàn tất các thủ tục theo quy định trước khi bước vào năm học mới.

Khi Báo GD&TĐ liên hệ với ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Chánh Văn phòng huyện ủy Mường Nhé để được cung cấp thông báo thì ông Thành cho biết phải “xin ý kiến Bí thư”. Sau một hồi “xin ý kiến”, Báo GD&TĐ nhận được câu trả lời: Không thể cung cấp thông báo số 02 với lý do: Báo GD&TĐ không phải là “nơi nhận” như trong thông báo số 02 của BTV huyện ủy Mường Nhé (?). 

Vấn đề đặt ra ở đây là trong thông báo số 02 có gì? Vì sao huyện ủy Mường Nhé lại “bưng bít”? Hay thông báo lần này cũng “nửa vời” như thông báo lần trước nên không thể cung cấp? 

Làm thế thì khổ các thầy cô!

Ông Nguyễn Quang Hưng tại buổi nhận quyết định điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Mường Nhé.
Ông Nguyễn Quang Hưng tại buổi nhận quyết định điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Mường Nhé.

Ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cho rằng: Việc Bí thư huyện ủy Mường Nhé lấy lý do “bận đại hội” để trì hoãn xét duyệt cho giáo viên đi liên hệ công tác là bất hợp lý. Bởi theo phân cấp quản lý, công việc này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé. 

Vì thế mà đến nay, 18 giáo viên (14 người đợt 1 và 4 người có nguyện vọng bổ sung) đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ngày 31/8, Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên vẫn chưa tiếp nhận bất cứ thông tin gì từ huyện Mường Nhé liên quan đến việc giáo viên chuyển vùng.

“Bây giờ chỉ còn mấy ngày nữa là vào năm học. Thế mà mới cho họ đi liên hệ công tác thì gấp gáp quá rồi. Theo nguyên tắc, thời điểm này là chúng tôi “khóa” rồi, không cho giáo viên chuyển nữa. Nhưng nếu làm thế thì khổ các thầy cô ra. Vì họ cũng có nguyện vọng chính đáng, họ thiết tha được về gần với gia đình, chồng con. 

Vì thế, trường hợp nếu giáo viên nào người ta liên hệ được thì cũng phải tạo điều kiện cho người ta luôn thôi. Những trường hợp khác có lẽ phải đợi đến hết học kỳ I của năm học 2020 - 2021 thì mới chuyển được thôi”, ông Lê Hữu Khang - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cho biết.

Vào Mường Nhé công tác đã 15 năm nay, trong đó 8 năm xa vợ, con, gia đình, thầy giáo Phạm Tất Thành - giáo viên Trường THCS Huổi Lếch cũng thiết tha xin được về gần gia đình, vợ con. Thầy Thành làm đơn xin chuyển vùng từ giữa tháng 5/2020, song đến cuối tháng 8 mới được đồng ý đi liên hệ công tác. Chính bản thân thầy Thành cũng chẳng biết cơ hội với mình liệu có còn hay lại phải ngậm ngùi vì “lỡ nhịp”.

“Em xin chuyển về vì bố mẹ em đã già, yếu quá rồi. Chẳng có ai chăm sóc. Vợ con em thì chuyển ra thành phố 8 năm nay. Hàng ngày thì vợ em đi làm cả ngày, chẳng có thời gian chăm con. Các cháu thì đã lớn, giờ không có ai gần gũi, bảo ban thì rất nguy hiểm. Em đã rút hồ sơ trong này rồi, giờ không biết nơi nhận ở ngoài kia như thế nào nữa, thời gian thì chẳng có nhiều. Em nghe nói người ta cũng phải họp, xét nữa. Nếu không được thì lại phải đợi cơ hội thôi chứ biết làm thế nào được!”, thầy giáo Phạm Tất Thành chia sẻ.

Bí thư “chiếm quyền” chủ tịch?
“Theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo Quyết định 04 thì việc quản lý, sử dụng và xem xét cho giáo viên chuyển vùng thuộc thẩm quyền của UBND huyện, mà trực tiếp là chủ tịch UBND huyện. Sau khi huyện xem xét quyết định cho giáo viên chuyển vùng thì phải có văn bản xin ý kiến Sở Nội vụ. Sở Nội vụ cấp giấy cho giáo viên đó liên hệ công tác. Sau khi có tiếp nhận của các đơn vị tiếp nhận giáo viên thì Sở Nội vụ sẽ ra quyết định cho giáo viên đó chuyển công tác theo nguyện vọng. Nói như vậy nghĩa là, việc quyết định cho giáo viên chuyển công tác hay không, đó là thẩm quyền của UBND huyện”, ông Lê Hữu Khang cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.