Việc ông Nguyễn Quang Hưng làm với 14 giáo viên là vô lý
Sau khi Báo GD&TĐ đăng tải các bài viết: Bí thư huyện Mường Nhé (Điện Biên) ra kết luận nửa vời: 14 giáo viên "mắc kẹt" và "Việc Bí thư Mường Nhé ra kết luận nửa vời, 14 giáo viên mắc kẹt: Lấy lý do bận… đại hội, "người nhà" dọa phóng viên?" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Ngày 3/8, Báo GD&TĐ đã làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên để làm rõ những nội dung liên quan. Trong buổi làm việc có ông Lê Hữu Khang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nội vụ cùng đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Sở. Tại đây, Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên khẳng định việc ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé không nhất trí cho giáo viên liên hệ công tác ở thời điểm này là vô lý.
"Theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo Quyết định 04 thì việc quản lý, sử dụng và xem xét cho giáo viên chuyển vùng thuộc thẩm quyền của UBND, mà trực tiếp là chủ tịch UBND huyện. Sau khi huyện xem xét quyết định cho giáo viên chuyển vùng thì phải có văn bản xin ý kiến Sở Nội vụ. Sở Nội vụ cấp giấy cho giáo viên đó liên hệ công tác. Sau khi có tiếp nhận của các đơn vị tiếp nhận giáo viên thì Sở Nội vụ sẽ ra quyết định cho giáo viên đó chuyển công tác theo nguyện vọng", ông Lê Hữu Khang - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cho biết.
Cũng theo Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, xem xét cho công chức, viên chức chuyển vùng là việc làm thường xuyên. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng theo đúng quy định của pháp luật.
"Họ công tác ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, có nhiều hoàn cảnh đặc biệt như: Bố mẹ sinh sống ở dưới xuôi, già yếu, ốm đau. Có những trường hợp chồng chuyển công tác rồi, còn vợ trên này hoặc ngược lại nên người ta có nguyện vọng chuyển. Tôi thấy có rất nhiều hoàn cảnh éo le. Vì vậy, để hợp lý hóa gia đình, phù hợp với điều kiện công tác của bản thân cá nhân thì việc chuyển công tác là hoàn toàn phù hợp và chính đáng", ông Lê Hữu Khang nhấn mạnh.
"Đi vướng núi, về mắc sông"… vì thiếu dân chủ?
Ở cương vị Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên đã nhiều năm, ông Lê Hữu Khang là người thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Bởi thế ông Khang không đồng tình với việc Bí thư Huyện ủy Mường Nhé viện lý do "bận tổ chức đại hội".
"Việc chuyển công tác đối với giáo viên sẽ diễn ra thời điểm nào? Công việc này thường diễn ra khi kết thúc năm học và giữa hai học kỳ. Tôi thấy việc chuyển công tác đến với các cơ quan, đơn vị dưới xuôi cũng không hề dễ dàng gì. Có những giáo viên phải mất đến 3 - 5 năm xin chuyển công tác cũng có được đâu? Họ không đi được bởi nhiều lý do. Ví dụ như đơn vị người ta không có nhu cầu. Rồi cơ cấu ngành nghề ở đơn vị người ta muốn đến lại không phù hợp… Thế nên khi người ta có được cơ hội thì huyện Mường Nhé nên tạo điều kiện cho người ta đi", ông Lê Hữu Khang cho biết.
"Việc mà huyện Mường Nhé không cho giáo viên đi liên hệ công tác ở thời điểm này là hoàn toàn chưa hợp lý. Bởi vì hết năm học rồi, người ta phải chuyển. Chỉ còn thời gian nữa là bắt đầu vào năm học mới. Lúc đấy mới cho chuyển thì rất khó khăn", ông Khang nhấn mạnh.
Theo ông Lê Hữu Khang, đồng thời với việc cho giáo viên chuyển vùng thì huyện sẽ xây dựng phương án tuyển dụng giáo viên mới vào "lấp đầy" chỗ trống, đáp ứng được yêu cầu của năm học mới. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có số giáo viên được đào tạo theo đúng chuyên ngành và yêu cầu sư phạm đang rất phong phú. Lực lượng lao động dư thừa này cũng đang rất cần được sắp xếp, bố trí.
"Quan điểm của chúng tôi là có vào, có ra. Khi cho người ta chuyển công tác đã đáp ứng được nguyện vọng của cá nhân, nhưng chúng ta đồng thời mở ra những cơ hội cho lao động tại địa phương. Điều này hoàn toàn hợp lý", đại diện Sở Nội vụ cho biết.
Facebook của vợ bí thư huyện "bị tấn công"?
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Hồng Liên - Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính, Quản trị thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Điện Biên xác nhận bà là chủ tài khoản Facebook "Lien Nguyenhong". Tuy nhiên, bà Liên cho biết bản thân bà "rất ít khi truy cập". Bà Liên cũng phủ nhận việc đã sử dụng tài khoản Facebook nói trên để lăng mạ phóng viên sau khi viết bài nói ra tồn tại trong công tác điều hành, quản lý của chồng bà là ông Nguyễn Quang Hưng - Bí thư Huyện ủy Mường Nhé.
Trước đó, sau khi Báo GD&TĐ đăng tải bài viết: Bí thư Huyện Mường Nhé (Điện Biên) ra quyết định nửa vời: 14 giáo viên "mắc kẹt", phóng viên Báo GD&TĐ nhận được tin nhắn của chủ Facebook với nickname "Lien Nguyenhong". Nội dung tin nhắn: "Mày là thằng có ăn học sủa ra những lời vu khống không sợ trời tru đất diệt hả! Khẩu nghiệp là có thật đấy nó sẽ sớm đến với ngày (mày) thôi".
Ông Nguyễn Vân Chương - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên cho rằng: "Nếu đúng như bà Liên sử dụng mạng xã hội để nhắn tin với những nội dung trên có thể coi là đe dọa, xúc phạm đến danh dự của nhà báo, vi phạm quy định của Luật Báo chí. Hành động trên còn vi phạm quy định của Đảng và đảng viên, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị nơi mình và chồng đang công tác. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Mường Nhé đã phát huy tính tiên phong, gương mẫu hay chưa khi để vợ mình phát ngôn như thế?".
Ông Lê Hữu Khang cũng không đồng tình với phát ngôn như trên. "Nếu mà ứng xử như thế này thì nó chưa đúng với văn hóa công sở. Theo chúng tôi, Văn phòng HĐND là cơ quan giúp việc cho HĐND. Do vậy, việc xử lý phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức (nếu có) đối với báo chí mà không phù hợp với luật báo chí thì phải do văn phòng HĐND xem xét, xử lý.
Ông Lê Hoài Nam - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh đã trực tiếp trao đổi với bà Liên và đề nghị bà Liên làm rõ xem có hay không việc nhắn tin lặng mạ phóng viên(?).
Ông Nam cũng cho biết thêm, do đặc thù, tính chất công việc, Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên không làm việc qua Facebook nên đơn vị này chưa có chế tài cụ thể để xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm khi phát ngôn trên mạng xã hội. Ngoài ra, để xác định việc bà Liên có nhắn tin lăng mạ hay không rất khó để xác định.