Bí thư huyện Mường Nhé (Điện Biên) ra kết luận nửa vời: 14 giáo viên “mắc kẹt”

Nguyên nhân xuất phát từ một kết luận “nửa vời” của ông Nguyễn Quang Hưng - Bí thư huyện ủy Mường Nhé.

"Đi mắc núi, về vướng sông"

Sau nhiều đêm trăn trở trước quyết định đi hay ở, ngày 25/5/2020 chị Bùi Thị Sơn (xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) trú tại tổ dân cư số 1 trung tâm huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên quyết định viết đơn xin chuyển công tác.

Chị Sơn công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ, huyện Mường Nhé. Vào công tác trong ngành Giáo dục huyện Mường Nhé từ ngày thành lập huyện (năm 2002), chị Sơn là một trong những người tình nguyện xin vào Mường Nhé công tác, đến nay đã được 14 năm.

Chị Sơn sống, công tác ở huyện Mường Nhé. Còn chồng chị và hai con nhỏ (cháu lớn học lớp 9, cháu nhỏ học lớp 2) sống ngoài thành phố Điện Biên Phủ (cách huyện lỵ Mường Nhé 200km). Trong khi chồng chị là lái xe, thường xuyên công tác xa nhà nên phải gửi hai cháu cho ông bà chăm sóc, dạy dỗ. Cũng bởi không có điều kiện chăm sóc con, trong khi bố mẹ cả hai bên gia đình đã già yếu, chị Sơn quyết định xin chuyển vùng. Chị thiết tha sớm được về gần gia đình, để có điều kiện chăm sóc và giáo dục hai con nhỏ, bù đắp khoảng thời gian xa cách trước đây.

Cùng đợt này có 13 giáo viên khác ở huyện Mường Nhé, hoàn cảnh tương tự cũng nộp đơn xin chuyển công tác theo nguyện vọng. Những tưởng cứ đủ điều kiện về thời gian công tác, thời gian cống hiến theo quy định là sẽ được đáp ứng. Thế nhưng, họ đã "mắc kẹt" bởi một quyết định "nửa vời" của tân Bí thư Huyện ủy Mường Nhé - Nguyễn Quang Hưng.

Ngày 23/6/2020, vị Bí thư này đã ban hành Thông báo số 460-TB/HU kết luận của Ban Thường vụ huyện ủy về công tác cán bộ, công tác đảng viên.

Mục 4 của kết luận trên nêu rõ: "Về việc chuyển vùng và tiếp nhận công chức, viên chức: Giao Ban tổ chức Huyện ủy chủ trì, phối hợp UBND huyện rà soát tổng thể biên chế toàn huyện, căn cứ đề án vị trí việc làm của huyện để báo cáo và tham mưu chủ trương cho Ban thường vụ Huyện ủy theo quy định".

Tuy nhiên, khi nào sẽ tiến hành rà soát (?); rà soát đến khi nào (?) và bao giờ mới nhất trí cho giáo viên chuyển vùng thì kết luận trên không đề cập đến. Nghĩa là những con người cả chục năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc này lại tiếp tục chờ đợi… Còn chờ đến bao giờ thì chỉ Bí thư huyện ủy mới biết (?).

Vô tình hay hữu ý gây khó?

Ngày 10/7, Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé có Tờ trình số 712/TTr-PGDĐT về việc đề nghị xét chuyển vùng đối với viên chức năm 2020 gửi UBND huyện Mường Nhé. Cơ sở để Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé đề nghị là: Luật Viên chức 2010; Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012; Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ và Công văn số 1292/SNV-TCBC&TCPCP ngày 29/8/2019 của Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên về việc cán bộ, công chức, viên chức liên hệ chuyển công tác.

Theo nội dung Công văn số 1292, Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên đề nghị Sở GD&ĐT, các huyện, thị xã, thành phố và các trường chuyên nghiệp thuộc tỉnh khi xem xét cho giáo viên đi liên hệ chuyển vùng nội tỉnh và chuyển công tác ra ngoài tỉnh phải thực hiện nội dung sau: "Những cá nhân được cơ sở quản lý trực tiếp xem xét, đề xuất đến cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên báo cáo Sở Nội vụ xem xét, cho phép viên chức giáo viên được liên hệ công tác trong khoảng thời gian giữa hai kỳ học của năm học và trong kỳ nghỉ hè sau khi kết thúc năm học".

Quy định là thế, nhưng những giáo viên ở huyện Mường Nhé vẫn chưa được chuyển công tác theo nguyện vọng chỉ bởi một lý do chẳng hề liên quan, đó là: "Chuẩn bị cho Đại hội" Đảng bộ huyện (?).

"Thực ra việc tuyển dụng, luân chuyển là việc thường xuyên. Nhưng Bí thư huyện ủy không cho chuyển. Đồng chí ấy bảo sau Đại hội đảng mới cho chuyển. Còn việc chuyển đi hay không đó là nguyện vọng của người ta. Người ta có nguyện vọng chuyển là chính đáng. Việc này chẳng liên quan gì đến Đại hội. Chúng tôi thường vẫn xét duyệt cả năm luôn vì liên hệ có phải 1, 2 tháng là xong đâu. Có người còn mất vài năm mới xin được đến chỗ mới cơ mà", một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên chia sẻ.

"Trước đây, sau khi tổng hợp danh sách, chúng tôi sẽ tổ chức họp, xét nguyện vọng của cán bộ, giáo viên. Sau đó, chúng tôi thông qua Phòng Nội vụ huyện. Họ sẽ trình lên UBND huyện. Xét thấy nguyện vọng chính đáng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì UBND huyện sẽ ký duyệt.

Tiếp đó, UBND huyện sẽ trình Sở Nội vụ. Sở Nội vụ sẽ cấp cho cán bộ, giáo viên đó một giấy giới thiệu đi liên hệ công tác ở nơi mà người ta muốn đến. Nơi muốn đến có một công văn tiếp nhận thì họ mang lên Sở Nội vụ. Sở sẽ ra quyết định đồng ý cho chuyển công tác đối với cá nhân họ, kèm theo đề nghị cơ quan mới chi trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ, viên chức theo quy định của nhà nước từ thời điểm đó. Cơ quan cũ sẽ có giấy thôi trả lương cho cán bộ, viên chức từ thời điểm nói trên", một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết.

"Những người trong danh sách xin chuyển thì họ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được đi. Trong số đó chủ yếu là xin ra thành phố. Số còn lại thì xin đi Thanh Hóa, Thái Bình… Có người làm đơn từ tháng 3, đến bây giờ vẫn không cho người ta đi thì bao nhiêu cơ hội của người ta bị lỡ mất rồi còn gì nữa (?)", lãnh đạo trên chia sẻ.

Theo nguồn tin mà chúng tôi có được thì cơ quan chuyên môn của huyện Mường Nhé đã họp xét, UBND huyện cũng nhất trí cho các cán bộ, giáo viên chuyển vùng theo nguyện vọng. Tuy nhiên, UBND huyện không thể trình lên Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định bởi đang vướng Thông báo "nửa vời" số 460 của Ban Thường vụ huyện ủy Mường Nhé.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ