Mặc dù vậy, những năm gần đây, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng, dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.
Người lao động “chắt chiu” từng đồng
Nhiều năm qua, Nhật Bản vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Việt Nam, thu hút nhiều lao động đến quốc gia này sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nền kinh tế Nhật Bản này có nhiều biến động, đồng yên giảm mạnh.
Theo thống kê từ cổng thông tin tài chính FXStreet, ngày 25/12, đồng yên Nhật (JPY) tiếp tục dao động ở mức thấp so với đô la Mỹ, gần mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. Thực tế, việc đồng yên rớt giá kỷ lục là kết quả của xu hướng đã bắt đầu từ vài năm qua. Đồng yên đã trượt giá liên tục trong hơn ba năm, mất hơn 1/3 giá trị kể từ đầu năm 2021. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến những người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thu (29 tuổi, quê Lâm Đồng), làm việc trong một siêu thị tại tỉnh Ibaraki chia sẻ, từ khi giá của đồng yên sụt giảm, lương không giảm, song thu nhập của chị bị ảnh hưởng khá nhiều.
Chị Thu chia sẻ, trước đây, với mức lương khoảng 120.000 yên/tháng, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, hàng tháng sẽ gửi về gia đình được khoảng 12 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định và có phần dư dả.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, đồng yên liên tục mất giá, thu nhập của chị Thu cũng như những người lao động Việt Nam tại Nhật Bản khi quy đổi sang tiền Việt bị giảm mạnh. Theo chị Thu, trước đây, 1 yên Nhật đổi được hơn 172 đồng, tới hiện nay chỉ khoảng 163 đồng. Thêm vào đó, giá cả hàng hóa tại Nhật Bản cũng tăng khiến chi phí sinh hoạt tăng cao. Chị Thu cho biết hiện nay số tiền gửi về nhà hàng tháng chỉ còn hơn một nửa so với thời điểm trước năm 2021.
“Giá hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh, tôi phải chắt bóp từng đồng, chỉ mua nhu yếu phẩm chứ không dám chi tiêu quá nhiều cho bản thân để còn dành dụm tiền gửi về nhà. Tôi phải xin tăng ca khá nhiều để có thêm thu nhập. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều đồng nghiệp nơi tôi làm việc, chỉ mong đồng yên khôi phục trở lại để cuộc sống ‘dễ thở’ hơn”, chị Hoài Thu nói.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động cũng tỏ ý lo ngại trước tình hình kinh tế biến động của Nhật Bản. Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, anh Vũ Hoàng Giang (24 tuổi, Hải Phòng) cho biết, có dự định sang Nhật Bản từ năm 2021. Song do thiếu một số thủ tục giấy tờ nên anh Giang lỡ cơ hội đi Nhật.
“Dù đã học tiếng Nhật và chuẩn bị hồ sơ, song nhận thấy đồng yên giảm mạnh nên tôi chuyển hướng sang đi Hàn Quốc. Tuy lương thấp hơn đi Nhật một chút, nhưng nếu quy đổi ra tiền Việt và tính toán các khoản chi phí sinh hoạt thì tôi nhận thấy vẫn có phần hợp lý hơn”, anh Hoàng Giang cho biết.
Vẫn thu hút người lao động
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đồng yên suy giảm, song Nhật Bản vẫn là thị trường thu hút đối với người lao động Việt. Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 10 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động là 130.640 người, đạt 104% kế hoạch năm 2024. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia chiếm khoảng 50% tổng số lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài.
Nhật Bản được 6.156 người lao động Việt Nam lựa chọn đến làm việc, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) có 4.843 người và Hàn Quốc với 4.601 người. Số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cũng có sự gia tăng đáng kể, từ khoảng 200.000 người vào năm 2016 lên đến 570.000 người hiện nay.
Trái ngược với lo ngại về đồng yên rớt giá, nhiều bạn trẻ vẫn lựa chọn đến Nhật Bản lao động bởi nhận thấy cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ. Bên cạnh đó, Nhật Bản vẫn được đánh giá là quốc gia có nhiều chính sách đãi ngộ tốt và hỗ trợ cho lao động Việt Nam như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,…
“Nhìn chung mặc dù có những biến động nhất định song mức lương của người lao động tại Nhật Bản cao hơn so với tại Việt Nam. Siêu thị nơi tôi làm việc cũng tạo điều kiện cho nhân viên tăng ca. Tiền tăng ca, làm việc ngoài giờ cũng là một khoản thu nhập khá. Bên cạnh đó, để tối ưu hóa thu nhập, việc quản lý chi phí cho ăn uống, chỗ ở và sinh hoạt là vô cùng quan trọng. Chi phí sinh hoạt tại Nhật hiện nay khá cao, tuy nhiên có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tôi vẫn có khoản tiền tích lũy và gửi về nhà mỗi tháng”, chị Hoài Thu cho biết.
Ông Trần Quang Long, tư vấn viên tại một công ty xuất khẩu lao động cho hay, tại thời điểm này, những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động Nhật Bản đang rất quan tâm đến tỷ giá đồng yên. Lý do, nó ảnh hưởng sát sườn đến thu nhập của họ. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt nam đang đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác, người lao động có nhiều sự lựa chọn hơn. Dù vậy, Nhật Bản vẫn là quốc gia được nhiều lao động quan tâm, đặc biệt là những lao động có trình độ và tay nghề cao.
“Các kỹ sư khi sang Nhật làm việc thường có mức lương khởi điểm cao, dao động từ khoảng 200.000 đến 300.000 yên/tháng (tương đương khoảng 32 đến 49 triệu đồng/tháng), nhưng cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe hơn. Bên cạnh đó, ở Nhật Bản cơ hội làm thêm giờ rất phong phú. Thông thường, người lao động có thể làm thêm tối đa 40 giờ/ tháng, với mức lương hấp dẫn là 125% so với mức lương cơ bản. Đặc biệt vào những ngày lễ và ngày nghỉ, mức lương tăng ca có thể lên đến 200% so với mức lương cơ bản”, ông Trần Quang Long chia sẻ.