Việc cha mẹ cần làm khi con gặp khủng hoảng

GD&TĐ - Trong các hoạt động học tập, vui chơi, trẻ thường xuyên đối mặt các tình huống vượt quá khả năng xử lý của bản thân và vì vậy dễ rơi vào khủng hoảng. Cha mẹ cần luôn bình tĩnh để giúp con thêm tự tin, bản lĩnh để sẵn sàng vượt qua mọi thử thách.

TS Vũ Thu Hương trò chuyện với các em học sinh.
TS Vũ Thu Hương trò chuyện với các em học sinh.

Đừng làm phức tạp thêm vấn đề của con

Là người thường xuyên tiếp cận các tình huống khó trong quá trình nuôi dạy trẻ của các bậc cha mẹ, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: Trong nhiều trường hợp, khi con gặp khủng hoảng, thay vì là chỗ dựa tinh thần hoặc người chỉ dẫn tin cậy cho con xử lý các tình huống thì cha mẹ lại chính là người lúng túng. Vì thế, cha mẹ có thể vô tình đẩy tình trạng khủng hoảng của con đến mức độ trầm trọng hơn nhiều so với ban đầu.

TS Vũ Thu Hương nêu ví dụ: Khi con bị ngã, xước chân tay, cha mẹ cuống lên xuýt xoa, kêu la to hơn cả trẻ. Việc làm này khiến trẻ hoảng sợ vì nghĩ mình đang bị cái gì đó kinh khủng lắm mà bản thân cũng chưa hình dung nổi. Và điều này đã làm tổn thương con gấp nhiều lần so với tình trạng thương tích của con.

Các cha mẹ thường hay than rằng, con thiếu tự tin nhưng bản thân họ chưa thực sự tìm cách gây dựng và hun đức sự tự tin cho con. Chẳng hạn, trong tình huống gặp trời mưa như trút, cha mẹ cuống cuồng và chăm chăm mặc áo xống, gói ghém con quá cẩn thận. Cha mẹ giật mình, bối rối khi con ho hoặc hắt hơi 1 cái. Chính thái độ bất thường này khiến con sợ và mất dần khả năng tự lo cho bản thân, thiếu tự tin khi giao tiếp với mọi người.

Cách tốt nhất là rèn bản lĩnh

TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh rằng, có thể không nhận ra nhưng thực chất, bản thân các bậc phụ huynh cũng không hiếm khi bị bắt nạt. Thế nhưng khi nghe tin con bị bắt nạt, rất nhiều cha mẹ mất ngủ, thậm chí sôi sục, phẫn nộ, xót xa. Chính điều này làm cho con trẻ càng cảm thấy sợ hãi và nghĩ mình kém cỏi. Các cha mẹ nên lưu ý, trẻ cảm nhận rất tốt. Trẻ thường rất chú ý đến thái độ và hành vi của cha mẹ để điều chỉnh trạng thái của mình.

Thay vì tỏ thái độ bất thường trong tình huống con bị bắt nạt thì ngược lại, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh, thậm chí tỏ ra chẳng mấy quan tâm đến vấn đề này. Cha mẹ nên khéo léo trò chuyện về chuyện này của con đan xen với các câu chuyện thú vị khác để tạo cho con cảm giác chia sẻ thoải mái và tìm cách tháo gỡ nhẹ nhàng.

Kỹ năng kết giao và chủ động ứng phó là vô cùng cần thiết mà bất cứ cha mẹ nào mong muốn con tự tin, tự lập đều nên làm. Ngay từ khi nhỏ tuổi, từ những việc rất nhỏ, trẻ đã rất cần bản lĩnh. Nếu việc gì cũng sợ, cũng chịu đựng, chỉ kêu ca thôi thì sau làm sao sau này con có thể làm được việc gì?

Sự lo lắng thái quá của cha mẹ có thể khiến con chưa khủng hoảng cũng sẽ rơi vào khủng hoảng. TS Vũ Thu Hương nêu ví dụ: Ghi nhận tại một cuộc họp phụ huynh online có một số bà mẹ tỏ thái độ không yên tâm và không tin tưởng cô giáo vì cô trẻ quá, không đủ kinh nghiệm để chăm sóc các con. Các bà mẹ đó hô hào các phụ huynh khác sát sao với các con và tích cực giám sát cô giáo.

Trong trường hợp này, phụ huynh đã lo cho con một cách thái quá. Con chưa tới mức chưa khủng hoảng đã cuống cuồng lo lắng, như muốn vào ngay lớp để dạy thay cô với một lý do rất đơn giản là vì cô trẻ tuổi. Các phụ huynh cũng liên tục góp ý với cô, điều chỉnh cô. Nghĩ đến cảnh đi dạy trong hoàn cảnh đó thì có lẽ giáo viên nào cũng áp lực và ái ngại. Đôi khi, chính điều này lại mang đến hệ lụy rằng, sự giám sát của các phụ huynh khiến cô giáo quá mệt mỏi dễ để xảy ra sai sót mà vô tình khiến các con rơi vào khủng hoảng.

"Trẻ gặp chút khủng hoảng là chuyện hoàn toàn bình thường. Cha mẹ nên động viên con tự xử lý khủng hoảng chứ đừng xắn tay lao vào. Hãy tin con và đừng biến con thành kẻ nhược tiểu, kém bản lĩnh từ chính những sự lo âu thái quá của mình." - TS Vũ Thu Hương nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ