Học sinh Singapore và áp lực thành tích

GD&TĐ - Singapore có một hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới và học sinh của họ nổi tiếng về thành tích xuất sắc trong học tập. Ngoài ra, nhiều học sinh cũng thể hiện tài năng trong các lĩnh vực khác như thể thao, âm nhạc và nghệ thuật. Nhưng cái giá phải trả cho thành tích này là sự lo lắng trong các em ngày càng tăng.

Học sinh Singapore và áp lực thành tích

Áp lực thành tích

Đó là một buổi biểu diễn piano dành cho nhóm trẻ 4 đến 5 tuổi. Những đứa trẻ đã chơi xong bản nhạc của chúng và đi ra khỏi trường âm nhạc. Phụ huynh tươi cười với vẻ hãnh diện và những đứa trẻ sung sướng với kẹo, bóng bay và hoa nhận được sau buổi biểu diễn.

Tuy nhiên, có một cô bé vẻ mặt không vui, bước ra với sự ngại ngùng, lo âu. Nó không có hoa hay kẹo. Mẹ cô bé đẩy cô về phía cửa và khi cô nhìn lên khuôn mặt của bà, một sự sợ hãi hiện ra rõ rệt, “Mẹ,… dở lắm phải không? Mẹ đang giận dữ à?”, nó lắp bắp hỏi.

Chỉ chờ có thế, người mẹ bắt đầu nặng lời về buổi biểu diễn và sự tồi tệ mà đứa bé đã thể hiện. “Con không làm được gì ngay cả nhấn đúng các phím! Mẹ không biết con còn có thể làm được gì nữa… Con có chắc là con đang trình diễn không?”.

Cô bé tội nghiệp nhìn chung quanh và đôi mắt bắt đầu rưng rưng. Cô cúi đầu và cơ thể rung lên từng đợt.

Một khung cảnh khác. Học sinh nhận lại bài kiểm tra của mình. Một số trong chúng làm không tốt và những giọt nước mắt bắt đầu rơi. Số khác thì lẳng lặng chui vào một góc nào đó và nhìn chằm chằm vào tờ giấy kiểm tra, mặt biến sắc.

Và đây là những gì mà các em bộc lộ khi có người tìm cách an ủi chúng. “Em không dám cho cha mẹ thấy kết quả này… Em không biết họ sẽ hành động như thế nào khi biết em làm bài tệ”.

Điều này cũng giống với những gì xảy ra khi chúng kết thúc một kỳ thi không như ý. Chúng hay nói: “Quá khó… Chắc rớt… Chết thôi… Phải nói với cha mẹ thế nào đây?”…

Sự lo lắng này đã tạo ra áp lực kinh khủng lên hầu hết học sinh. Cuộc sống ở Singapore là một quá trình đua tranh không ngừng và phụ huynh làm đủ mọi cách để con họ có sự khởi đầu thuận lợi.

Trong khi các nơi khác trên thế giới, trẻ trước tuổi đi học suốt ngày chơi đùa, thì ở Singapore hầu hết trẻ được cha mẹ đóng tiền cho đi học nhạc, thể thao và các lớp nghệ thuật ở tuổi 4 hay 5.

Trẻ em bị đặt trong một môi trường đầy áp lực và lúc nào cũng lo lắng bị cha mẹ khiển trách, trừng phạt khi không đáp ứng được sự kỳ vọng nào đó.

Một cuộc nghiên cứu quốc tế cho thấy học sinh Singapore, bên cạnh nổi tiếng thế giới về sự xuất sắc trong học tập, cũng trải nghiệm lo lắng ở mức độ cao và dễ bị bắt nạt.

Những phát hiện được đề cập trong một nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cơ quan tổ chức cuộc thi ba năm một lần có tên gọi Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Nghiên cứu đã khảo sát 540.000 học sinh từ 72 quốc gia và các nền kinh tế để xem xét mối quan hệ giữa sự thịnh vượng, hạnh phúc và thành tích trong các bài thi PISA.

Một câu hỏi mà 5825 học sinh Singapore được khảo sát đã không trả lời, là các em hài lòng ra sao với cuộc sống của mình, nhưng phần trả lời những câu hỏi khác cho thấy hầu hết đều lo lắng về bài thi và thứ hạng trong lớp.

Học sinh thường bày tỏ: “Em lo lắng sẽ gặp những khó khăn khi làm một bài kiểm tra”, “Em lo sẽ đứng thứ hạng thấp ở trường”, “Em cảm thấy lo âu, hồi hộp, mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ để làm bài thi”, “Em rất căng thẳng khi học để làm kiểm tra” và “Em cảm thấy lo lắng khi không hoàn thành công việc ở trường”…

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ lo âu của các em cao hơn mức bình quân của học sinh thuộc OECD trong tất cả 5 câu hỏi. Ví dụ, 66% học sinh của các quốc gia OECD cho biết, chúng lo lắng về thứ hạng kém trong lớp, nhưng ở Singapore, con số này là 86%.

Cũng ở Singapore, 76% học sinh được hỏi cho biết các em rất lo lắng khi làm bài thi ngay cả đã chuẩn bị rất kỹ, trong khi con số này ở OECD chỉ là 55%.

Điều này có thể liên quan đến việc học sinh Singapore học hành cật lực hơn. Một câu hỏi được đặt ra là liệu các em có muốn đứng đầu trong lớp không? Đến 82% trả lời là có. Trong khi con số này ở OECD là 60%.

Hai mặt của vấn đề

Khi được yêu cầu bình luận về nghiên cứu trên, người phát ngôn của Bộ Giáo dục Singapore cho biết các học sinh được khảo sát phần lớn gồm học sinh lớp 9 đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.

“Vì vậy, cũng có thể hiểu được rằng các em đang rất lo lắng về bài thi của mình”, ông nói và lưu ý rằng hơn 8 trong 10 học sinh 15 tuổi của Singapore cũng cho biết các em rất thích học các môn về khoa học. “Do đó, chúng tôi công nhận rằng, trong khi học sinh lo lắng về chuyện thi cử thì sự thích thú của chúng trong các môn khoa học vẫn không giảm sút”.

Về mối tương quan giữa động cơ học tập và stress, người ta công nhận có hai mặt của một vấn đề. “Cuộc nghiên cứu cho thấy stress ở mức độ thích hợp có thể có tác dụng tích cực để tiếp thêm nghị lực giúp chúng ta đối mặt với những thách thức. Chúng tôi thừa nhận trong khi chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể nào, động cơ thúc đẩy để đạt thành tích cao cũng có mối tương quan với mức độ lo lắng”.

Bộ cũng cho biết, các trường đã có nhiều nỗ lực giúp học sinh hiểu ý nghĩa của việc học, thay vì chỉ tập trung vào thành tích.

“Sau cùng, stress và lo lắng là một phản ứng cá nhân phát sinh từ những kỳ vọng của một người nào đó và năng lực giải quyết những thách thức. Do vậy, trường học của chúng ta cần tập trung giúp học sinh đạt triển vọng cao hơn, không dựa vào thành tích, bằng cách giúp chúng kiềm chế các kỳ vọng và hiểu biết điểm mạnh, điểm yếu của mình. Điều này cũng giúp học sinh phát triển sự linh hoạt và suy nghĩ tích cực”.

Viện trưởng Viện Giáo dục quốc gia, Jason Tan, cho biết phát hiện về tình trạng lo lắng tăng cao ở học sinh không làm mất sự đồng bộ của hệ thống học đường, vốn sử dụng các kỳ thi để phân học sinh vào các trường THCS và THPT.

“Để tiến về phía trước, một học sinh không chỉ phải học tốt mà còn phải học tốt hơn các bạn của mình. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi học sinh của chúng ta lo lắng về các kỳ thi và thứ hạng trong lớp”, ông nói và lưu ý thêm rằng trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để làm giảm căng thẳng và lo lắng trong học sinh. “Những thay đổi trong hệ thống chấm điểm kỳ thi hết cấp tiểu học và tuyển sinh dựa trên năng lực vào các trường đại học nằm trong những biện pháp mà chúng tôi hy vọng sẽ giảm nhẹ lo lắng và tăng sự yêu thích học tập trong học sinh”.

Theo Straitstimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.