Vì tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân là trên hết và trước hết

GD&TĐ - Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày trước Quốc hội Tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Dịch diễn biến phức tạp, khó lường

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng. Trên thế giới, đến nay ghi nhận hơn 191 triệu ca mắc, trong đó hơn 4,1 triệu trường hợp tử vong do Covid-19. Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm mới hằng ngày trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại các quốc gia thuộc Châu Á, Châu Âu.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã lan ra 59/63 tỉnh, thành phố; cả nước ghi nhận gần 87.000 ca đến ngày 23/7/2021, trong đó có hơn 2.000 ca nhập cảnh và 335 trường hợp tử vong.

Đợt dịch thứ tư đang gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường, kéo dài, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết vì dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ nên cũng cần các biện pháp chưa có trong tiền lệ.

Về pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được quyết định các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội chưa họp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp (nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và đời sống nhân dân…) và các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

“Từ lý do trên, Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét đưa nội dung về phòng, chống dịch Covid -19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XV để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong phòng, chống dịch bệnh

Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày nêu rõ: Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư , Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật có liên quan để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, áp dụng những biện pháp chống dịch về cách ly xã hội, giãn cách xã hội,...;

Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để có vắc xin tiêm phòng cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp vắc xin rất khan hiếm, trong đó có cả việc mua, nhập khẩu vắc xin và nghiên cứu, phát triển vắc xin, chuyển giao công nghệ để chủ động nguồn vắc xin trong nước, nhằm có 150 triệu liều vắc xin  cho mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng ; v.v...

Ủy ban Xã hội của Quốc hội thấy rằng, hệ thống pháp luật  liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số Luật và Pháp lệnh do đã ban hành từ lâu nên một số quy định chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh,  thực tế thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, đã khống chế thành công ba đợt dịch và đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và khi chưa kịp thời sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, thì việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết có nội dung bày tỏ sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19;

Đồng thời xem xét, quyết định một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả hơn, kể cả dự phòng các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh phức tạp hơn trong thời gian tới là thực sự cần thiết.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc buổi chiều 24/7
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc buổi chiều 24/7

“Việc Quốc hội quyết nghị về vấn đề này còn dựa trên các cơ sở chính trị quan trọng, vào thời điểm đặc biệt có tính lịch sử của kỳ họp thứ nhất này, đúng thẩm quyền của Quốc hội và cũng đáp ứng nguyện vọng, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cử tri cả nước” – bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Ủy ban Xã hội thấy rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, việc đưa một số biện pháp để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất là phù hợp. Dự thảo này được đọc, biểu quyết thông qua tại Phiên bế mạc thể hiện sự chia sẻ kịp thời đối với nhân dân, cử tri cả nước, đồng thời chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội, cơ quan đại biểu nhân dân về quyết tâm đoàn kết, chiến thắng đại dịch Covid-19 vì tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân là trên hết và trước hết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ