Ước mơ ấy càng lớn hơn khi 10 năm nay Việt Nam liên tục đứng trong Top 10 nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới. Nhưng tới năm 2018 này, thì mơ ước đó vẫn chỉ là ước mơ thôi. Tại sao vậy?
Về mặt ý thức, thì thậm chí cho đến ngày nay, các cơ quan chức năng vẫn còn phải thực hiện những dự án về đào tạo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và giá trị thương hiệu cho các doanh nghiệp về dệt may, cũng như các công ty thiết kế thời trang, có sản phẩm thời trang bán trên thị trường.
Đa số các đơn vị và cá nhân trong ngành dệt may, thời trang đều chưa mấy quan tâm đến thương hiệu, giá trị thương hiệu nên đương nhiên cũng không tìm cách khai thác giá trị vô hình này. Một khi đã không quan tâm và nhìn ra giá trị thương hiệu thời trang, thì sẽ khó có thể vươn tới việc sở hữu một thương hiệu tầm cỡ quốc tế.
Trong hai năm 2018-2019, Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam”(do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ) được triển khai nhằm mục đích:
Nâng cao nhận thức chung của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên về thực thi, xây dựng và phát triển giá trị quyền SHTT; Nâng cao năng lực khai thác và phát triển giá trị quyền SHTT đối với một số nhãn hiệu của một số công ty thành viên thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (gồm Tổng Công ty May 10 - CTCP, Tổng Công ty Đức Giang – CTCP, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty CP Phong Phú); Nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT của doanh nghiệp và nhận thức cộng đồng đối với việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngành DMVN năm 2017 xuất khẩu tới hơn 31 tỷ USD hàng dệt may, nhưng hầu hết đều là hàng gia công cho các thương hiệu quốc tế.
Trong con số XK ấn tượng đó thì những sản phẩm thực sự là thương hiệu Việt Nam chiếm tỷ trọng còn quá thấp, như sợi XK trên 3 tỷ USD; Dệt khăn XK khoảng 1,7 tỷ USD; vải XK 750 triệu USD; và XK 450 triệu USD phụ liệu may, 450 triệu USD XK vải địa kỹ thuật.
Ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội DMVN cho rằng, ông từng trăn trở về vấn đề thương hiệu thời trang Việt Nam nhiều năm nay, đó phải là các thương hiệu sản phẩm may mặc, một mục tiêu cực kỳ quan trọng đối với Ngành.
Cần phải có chiến lược xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam và đưa ra Thế giới. Ngay bây giờ chúng ta phải xây dựng và thực hiện quyết liệt chương trình hành động để các thương hiệu đó có vị trí đứng trong thị trường quốc tế.
Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam” mới chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn của Tập đoàn DMVN, trong khi đó các công ty tư nhân, thậm chí các nhà thiết kế cá nhân lại chưa được tiếp cận với dự án này.
Không nên bỏ qua các thương hiệu tư nhân, đơn cử Canifa hay An Phước là thương hiệu tư nhân nhưng doanh thu một năm trên 1 ngàn tỷ đồng.
Các NTK cá thể đều đã có thương hiệu riêng nhưng chưa có tổ chức nào đưa họ vào hệ thống vị trí thương hiệu thời trang của VN và hỗ trợ họ phát triển. Họ rất cần có vị trí đứng trong nền công nghiệp dệt may.
Hiện nay, các đơn vị may lớn của Tập đoàn DMVN như Tổng Công ty May 10 có các nhãn hiệu như Etenity Grusz, M Series, May 10 Classic; hoặc Việt Tiến có Sans Sciaro, Viettien, Viet Long; Nhà Bè có Mattana, Novelty... đều đang được bán ở thị trường nội địa, mỗi đơn vị đều có tổng doanh thu hơn 1 ngàn tỷ đồng/năm từ các nhãn hàng thời trang kể trên. Điều đó chứng tỏ các nhãn hiệu đều có uy tín ở thị trường trong nước, nhưng chưa vươn ra được thị trường thế giới.
Ngành DMVN có khát vọng là chuyển từ hình thức CM sang ODM, có như vậy thì chúng ta mới có nhãn hiệu thời trang, dần phát triển thành những thương hiệu lớn vươn ra thị trường thế giới, nhưng con đường còn quá gian nan.
Điểm yếu của Ngành DMVN là nguyên phụ liệu, hiện chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới hơn 50% nguyên phụ liệu cho làm hàng XK. Làm ODM thì chúng ta phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu.
Ông Giang cũng cho rằng, ở châu Á, thì nước làm thương hiệu tốt bậc nhất là Hàn Quốc. Họ biết gắn cách làm marketing thời trang với yếu tố văn hóa, lịch sử, phim ảnh... Các làm đặc biệt ấy tạo ấn tượng, tình yêu nơi người tiêu dùng khiến người tiêu dùng trung thành với sản phẩm thời trang của họ.
Các công ty điện tử lớn như Samsung, cũng từng tích lũy vốn và kinh nghiệm thương trường từ những ngày đầu bằng lĩnh vực SX dệt may, cho đến nay, dù đã phát triển làm các lĩnh vực đa ngành, nhưng dệt may vẫn là hồn cốt của họ.
Việt Nam hiện cũng mới xuất hiện trào lưu làm theo các nước phát triển đó, với những bộ phim truyền hình lồng yếu tố thương hiệu thời trang. Ông Giang đã từng đặt một nhà văn viết một cuốn tiểu thuyết về ngành DMVN, từ đó làm cốt truyện cho các nhà làm phim, nhằm tác động hiệu quả hơn tới người tiêu dùng VN về thương hiệu thời trang Việt.
Chương trình “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam” cần một kịch bản logic, mới có sự khác biệt và thành công. Ví dụ như việc thay đổi cách chọn trang phục của Phụ nữ VN cũng rất khó.
Ai cũng muốn mình phải độc quyền mặc một mẫu trang phục nào đó, không ai muốn mặc giống ai. Tính độc quyền trong việc mặc của phụ nữ Việt rất cao. Trong khi đó phụ nữ Hàn Quốc mặc mẫu sản xuất giống nhau vẫn thấy hãnh diện.
Dẫn ra ví dụ này để thấy công tác truyền thông cho thời trang ở nước ta còn có vấn đề. Làm thương hiệu phải giúp thay đổi từ tư tưởng của người tiêu dùng về cách sử dụng sản phẩm, chọn sản phẩm.
Chúng ta chưa có cơ sở để đánh giá từng thương hiệu và nhu cầu thị trường trên từng thương hiệu như thế nào. Người nước ngoài đến Việt Nam, có thể mua vài chục áo sơ-mi Việt Tiến mang về nước để mặc vì nó quá rẻ, chất lượng tốt.
Nhưng để thương hiệu này chính thức vào thị trường Ý lại không dễ. May Việt Tiến từng có tham vọng đưa sản phẩm thời trang của Việt Tiến vào thị trường Trung Quốc nhưng không dễ, vì vấp phải yếu tố bảo hộ mậu dịch, yếu tố văn hóa...
Muốn có thương hiệu tầm cỡ, phải có chiến lược đúng đắn, phải làm thật tập trung, lăn xả, bài bản mới có thể tạo ra kết quả sau hai năm thực hiện dự án“Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam”.
Phát triển thương hiệu cũng phải trả giá, không hề đơn giản. Kết quả của dự án phải cụ thể rằng thương hiệu A, B, C nào đó đã lọt vào thị trường nào trên thế giới, giá trị bao nhiêu, và đem lại doanh số bao nhiêu.