UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) thua kiện 6 cựu giáo viên:

Vì sao việc thi hành án kéo dài?

GD&TĐ - Liên quan vụ tuyển thừa hơn 500 giáo viên gây bức xúc dự luận, UBND huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) thua kiện trước 6 cựu giáo viên.

Trụ sở UBND huyện Krông Pắc. Ảnh: TL
Trụ sở UBND huyện Krông Pắc. Ảnh: TL

Liên quan vụ tuyển thừa hơn 500 giáo viên gây bức xúc dự luận, UBND huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) thua kiện trước 6 cựu giáo viên vì đã ký hợp đồng lao động, sau đó buộc thôi việc không có lý do.

Mòn mỏi chờ thi hành án

Ngày 2/10, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) xác nhận việc 6 cựu giáo viên mất việc thắng kiện cả 2 cấp tòa, nhưng hơn 1 năm nay UBND huyện này vẫn chưa chấp hành việc thi hành án theo quy định.

Theo đó, sau khi UBND huyện này thua kiện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc đã có quyết định yêu cầu thi hành án theo yêu cầu của người thắng kiện đối với Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắc. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, đến nay 2 nhà trường và UBND huyện đều viện lý do để không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ông Nguyễn Ánh Dương là một trong số các cựu giáo viên thắng kiện bức xúc: “Chúng tôi mất việc vô cớ, suốt hơn 5 năm theo đuổi vụ kiện và được công nhận được bồi thường. Thế nhưng, các cấp lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc thêm lần nữa cù nhầy, đẩy chúng tôi vào hoàn cảnh khó khăn”.

Khi UBND huyện không tự nguyện, các giáo viên có đơn đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc thực hiện các biện pháp xác minh tài sản, cưỡng chế để thi hành án.

Theo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc, tài sản của Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắc đều từ ngân sách Nhà nước cấp. Theo quy định, các tài sản liên quan đến ngân sách Nhà nước không thể cưỡng chế, kê biên để thi hành án.

Các giáo viên bị UBND huyện Krông Pắc thông báo chấm dứt hợp đồng. Ảnh: TL

Các giáo viên bị UBND huyện Krông Pắc thông báo chấm dứt hợp đồng. Ảnh: TL

UBND huyện Krông Pắc không chấp nhận các bản án (sơ thẩm, phúc thẩm) đã tuyên. “Hiện, UBND huyện Krông Pắc đang làm thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm. Do chưa được trả lời nên chưa thực hiện việc thi hành án”, đại diện UBND huyện này lý giải.

Bà Nguyễn Thị Bình (cựu giáo viên, người đứng nguyên đơn 1 vụ án) khẳng định UBND huyện Krông Pắc đang cố tình trì hoãn, không thi hành bản án. Lý do, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Đà Nẵng đã có văn bản trả lời là không có cơ sở để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án lao động phúc thẩm ngày 24/4/2022.

Theo Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Đà Nẵng, các bản án sơ thẩm, phúc thẩm buộc Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắc liên đới bồi thường cho bà Nguyễn Thị Bình (giáo viên) số tiền hơn 175 triệu đồng là có cơ sở.

Tuyển ồ ạt để rồi… sa thải

Các cựu giáo viên thắng kiện cho rằng, UBND huyện Krông Pắc và các trường viện lí do để không thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật là làm xói mòn niềm tin vào công lý của họ.

Trước đó, ngày 9/3/2018, UBND huyện Krông Pắc ra thông báo buộc hơn 500 giáo viên hợp đồng tại các trường học trên địa bàn phải thôi việc. Lí do đưa ra là vì “Việc tuyển dụng trước đó không đúng quy định, gây vượt chỉ tiêu biên chế được cấp trên giao”.

Hậu quả, nhiều giáo viên bị sa thải trái quy định, phải trở về làm vườn, tha phương đi làm nhiều công việc khác để mưu sinh với hy vọng một ngày gần nhất sẽ tiếp tục được cống hiến cho ngành Giáo dục.

Đặc biệt, trong số 550 giáo viên bị buộc thôi việc, có 6 giáo viên đã khởi kiện vì cho rằng, việc huyện có tuyển dụng mình nhưng khi sa thải lại trái quy định, gây mất quyền lợi.

Một buổi đối thoại giữa UBND huyện Krông Pắc với các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng. Ảnh: TL

Một buổi đối thoại giữa UBND huyện Krông Pắc với các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng. Ảnh: TL

Các cựu giáo viên khởi kiện thành 2 vụ án tranh chấp hợp đồng lao động. Trong đó, 5 người nguyên là giáo viên tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cùng khởi kiện (ủy quyền cho ông Nguyễn Ánh Dương làm đại diện) và vụ kiện riêng lẻ của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên giáo viên Trường THCS Ea Kly. Cả hai vụ kiện trên đều đã được cấp sơ thẩm, phúc thẩm xét xử và tuyên án.

Theo đó, tháng 6/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên buộc Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắc có lỗi trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với 5 giáo viên nên phải cùng chung trách nhiệm bồi thường gần 1,3 tỷ đồng cho các cựu giáo viên.

Cụ thể, UBND huyện Krông Pắc và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai liên đới bồi thường cho ông Nguyễn Ánh Dương gần 318 triệu đồng. Các ông, bà Nguyễn Tuấn Anh, Trịnh Thị Bích Hạnh, H’Dim Niê mỗi người gần 239 triệu đồng. Bồi thường cho ông Lương Văn Chinh số tiền hơn 214 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 4/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có bản án tuyên buộc Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắc có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bà Nguyễn Thị Bình số tiền hơn 175 triệu đồng. HĐXX không chấp nhận nội dung khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bình về việc yêu cầu Trường THCS Ea Kly phải nhận bà trở lại làm việc.

Trước đó, từ năm 2011 đến hết 2015, các lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc (trong đó có các ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (2011 - 2016), ông Y Suôn Byă - cựu Chủ tịch UBND huyện) ký quyết định tuyển dụng 588 giáo viên, 80 nhân viên các trường học từ mầm non đến THCS.

Với các sai phạm này, ông Kỷ (ký khoảng 400 hợp đồng) bị kỷ luật cảnh cáo. Còn ông Y Suôn Byă, với trách nhiệm người đứng đầu và trực tiếp ký tuyển 100 hợp đồng lao động nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Liên quan đến sai phạm này còn có ông Trần Đức Lanh, nguyên Trưởng phòng Nội vụ, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cũng bị kỷ luật, điều chuyển rồi nghỉ hưu an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ