Tuy nhiên, từ khi có quyết định của tòa (3/6/2021) đến nay vụ việc chưa được triển khai thi hành án (THA) theo quy định của pháp luật.
Chi cục THA chưa nhận được quyết định của tòa
Liên quan vụ việc, ngày 28/10, trao đổi với GD&TĐ qua điện thoại, ông Nguyễn Sỹ Cần - Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông đã mời ông Lê Cao Tánh lên làm việc và cũng đã giải thích về vụ việc.
Theo pháp luật bản án đang thi hành thì lại gặp một kháng nghị giám đốc thẩm, sau đó thì có một quyết định của Hội đồng thẩm phán của Tòa án cấp cao xử y án trở lại. Ông Tánh đã nhận được quyết định của tòa. Tuy nhiên, Chi cục THA TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) thì chưa nhận được.
“Khi mời ông Tánh lên làm việc chúng tôi đã phân tích. Thậm chí trước sự chứng kiến của ông Tánh tôi đã gọi điện thoại trao đổi với người quen làm tại tòa cấp cao về việc chuyển quyết định về bản án của tòa để chúng tôi tiếp tục thi hành.
Đồng thời, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi tòa cấp cao về vụ việc. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại (28/10) chúng tôi vẫn chưa nhận được quyết định về bản án của tòa cấp cao. Khi nhận được thì chúng tôi sẽ tiến hành thi hành án theo luật…” - ông Nguyễn Sỹ Cần thông tin.
Liên quan chi phí THA, ông Cần cho rằng chuyện chi phí cao thấp ai nói thế nào thì ông không rõ nhưng để thi hành bản án này phải hội đủ các cơ sở pháp lý. “Chúng tôi sẽ căn cứ theo các quy định của pháp luật để buộc người ta phải thực hiện đúng luật. Luật quy định thế nào thì chúng tôi làm như thế thôi” - ông Nguyễn Sỹ Cần cho biết.
Trước đó, ngày 21/7, trao đổi với GD&TĐ, ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng thông tin vụ kiện đã có phán quyết cuối cùng thì các cơ quan liên quan phải thực thi. Tuy nhiên, hiện Sở cũng rất lúng túng trong chuyện thi hành án đối với trường hợp của ông Tánh.
Thứ nhất, không biết lấy tiền (614,68 triệu đồng) từ đâu đề đưa cho ông Tánh. Thứ 2, Trường THPT bán công Nguyễn Du nơi ông Tánh dạy khi trước, nay đã chuyển thành Trường THCS Nguyễn Du mà ông Tánh thì dạy THPT. Thậm chí hiệu trưởng xử lý kỷ luật ông Tánh nay cũng đã qua đời. Thứ 3, ông Tánh đã nghỉ dạy lâu rồi nay không biết đứng lớp thì có ổn không…
Theo TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT), Khoản 4 Điều 48 Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi căn cứ hoãn THA quy định tại Khoản 1 Điều này không còn, hết thời hạn hoãn THA theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc khi nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền kháng nghị về việc không có căn cứ kháng nghị thì Thủ trưởng cơ quan THA dân sự phải ra quyết định tiếp tục THA”.
“Như vậy, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định không kháng nghị của TAND Cấp cao tại TPHCM thì cơ quan THA phải ban hành Quyết định tiếp tục THA để tổ chức thi hành án” - TS Bùi Kim Hiếu chia sẻ.
“Làm ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường”?
Theo hồ sơ vụ án, tháng 12/2004, ông Lê Cao Tánh (SN 1972) ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với Trường THPT bán công Nguyễn Du (nay là Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Ông Tánh dạy môn Giáo dục công dân và môn Văn tại trường này.
Vào sáng 12/12/2006, một học sinh (HS) lớp 10 thấy ông Tánh đi ngang đã gọi tên ông và chửi bậy trước đám đông. Ông đưa HS này về phòng giám thị hỏi lý do. HS này trả lời với thái độ hỗn hào. Ông Tánh không kiềm chế được, đã tát làm em HS này chảy máu cam.
Tháng 2/2007, Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định sa thải ông Tánh với lý do “vi phạm về phẩm chất của người thầy. Trong quá trình xử lý HS vô lễ với giáo viên đã không kìm được nóng nảy, đánh HS gây chấn thương mũi; việc làm phản tác dụng giáo dục này đã ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường và ngành giáo dục, tạo dư luận không tốt trong xã hội”.
Sau đó, tháng 7/2007, ông Tánh khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định kỷ luật sai thải này; yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng nhận ông về làm việc trở lại tại Trường THPT Bùi Thị Xuân; yêu cầu Trường THCS Nguyễn Du bồi thường các khoản ước tính 10 tỷ đồng.
Từ quyết định khởi kiện này, ông Tánh trải qua hành trình 15 năm theo đuổi vụ viêc với nhiều cung bậc cảm xúc “nay thua, mai thắng, rồi lại thua…”. Cụ thể, ở phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND TP Đà Lạt và TAND tỉnh Lâm Đồng đều bác đơn kiện.
Tháng 6/2011, Viện KSND Tối cao ra kháng nghị, đề nghị TAND Tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả án sơ thẩm và phúc thẩm. Ngày 27/9/2011, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo hướng chấp nhận yêu cầu của ông Tánh.
Tại phiên xử sơ thẩm lần 3, ngày 14/1/2020, TAND TP Đà Lạt chấp nhận yêu cầu của ông Tánh. Lần này, Trường THCS Nguyễn Du và ông Tánh cùng có kháng cáo.
Đến phiên xử phúc thẩm lần 3, ngày 22/6/2020, TAND tỉnh Lâm Đồng không chấp nhận kháng cáo của Trường THCS Nguyễn Du, chấp nhận yêu cầu của ông Tánh, sửa án sơ thẩm, tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc Trường THCS Nguyễn Du nhận ông Tánh trở lại làm việc và bồi thường cho ông 614,68 triệu đồng, tiếp tục trả lương cho ông theo mức lương hiện hành tính từ tháng 1/2020 cho đến khi nhận ông vào làm lại…
Sau đó, ngày 22/7/2020, Trường THCS Nguyễn Du có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm lần 3. Ngày 13/11/2020, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TPHCM kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại.
Tới ngày 3/6/2021, phiên tòa giám đốc thẩm diễn ra với 10 thành viên Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM đã quyết định không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm lần 3, tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc Trường THCS Nguyễn Du nhận ông Lê Cao Tánh trở lại làm việc và bồi thường cho ông 614,68 triệu đồng.
Với phán quyết lần này, ông Tánh có quyền tiếp tục sự nghiệp trồng người tại ngôi trường mà ông từng gắn bó.