Theo Phó Giám đốc Cục Tình báo Ukraine là ông Vadym Skibitsky tuyên bố, phiên bản tầm xa của tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS Mỹ có giá trị lớn hơn nhiều đối với Lực lượng Vũ trang Ukraine, so với tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa Tomahawk.
Ông Skibitsky chỉ ra rằng, tên lửa Tomahawk không dễ sử dụng, đồng thời phương tiện phóng của nó chính là tàu chiến (tuần dương hạm, khu trục hạm) hoặc chiến đấu cơ hạng nặng, máy bay ném bom chiến lược, mà những trang bị này Lực lượng Vũ trang Ukraine hiện không có và tương lai cũng rất khó có thể mua sắm được những loại vũ khí này.
Ông nói thêm rằng, chính quyền Kiev hiện đang đàm phán với Hoa Kỳ để dỡ bỏ các hạn chế hiện hành đối với việc sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ, cũng như đề nghị Lầu Năm Góc cung cấp một phiên bản vũ khí này với tầm bắn lớn hơn 300 km thì càng tốt.
Cần nhớ rằng, truyền thông phương Tây trước đó đã đưa tin rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra một quyết định sẽ thúc đẩy leo thang xung đột ở Ukraine, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn của ông Trump.
Theo truyền thông Mỹ, điều đáng chú ý là ông chủ Nhà Trắng đang xem xét khả năng chuyển giao cho Kiev tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa Tomahawk, với tầm phóng lên tới 2500km, có khả năng tấn công vượt quá Moscow và St. Petersburg.
Ngoài ra, còn có tin đồn về việc Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các tên lửa không đối đất tầm xa như AGM-158 JASSM tầm phóng 1000km hay phiên bản nâng cấp AGM-158B JASSM-ER với tầm phóng gần gấp đôi (1900km).
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mọi thứ vẫn chỉ là tin đồn, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn chưa công bố bất cứ quyết định chính thức nào liên quan đến việc cung cấp tên lửa Tomahawk, cũng như không dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa ATACMS.
Đồng thời, cũng không có xác nhận chính thức nào từ Nhà Trắng hay Lầu Năm Góc về tin đồn liên quan tới AGM-158 JASSM và AGM-158B JASSM-ER.
Theo giới phân tích cho rằng, đây thực sự chỉ là những tin đồn vô căn cứ, Mỹ sẽ không cung cấp những loại tên lửa này cho Kiev, đồng thời cũng không điều chỉnh tầm phóng cho tên lửa ATACMS.
Nguyên nhân là do việc Mỹ cung cấp cho Ukraine loại tên lửa có tầm phóng vượt quá 300km là điều hết sức nguy hiểm đối với thế giới, bởi nó cũng sẽ dọn đường cho Nga cung cấp tên lửa tầm xa cho các quốc gia khác, ví dụ như Iran hay Triều Tiên, gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với Hoa Kỳ.
Hành động của Mỹ cũng sẽ tạo ra tiền lệ xấu phá vỡ Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR, cấm các nước xuất khẩu vũ khí tên lửa có tầm phóng vượt quá 300km), khiến thế giới lâm vào tình trạng mất kiểm soát việc phổ biến tên lửa tầm xa.