NYT dẫn nguồn tin cho biết, việc chuyển hàng viện trợ dưới dạng tên lửa, phương tiện chiến đấu, đạn dược và hệ thống phòng không từ Mỹ và các nước châu Âu tới tiền tuyến sẽ mất vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng.
Ngoài ra, NYT còn nhấn mạnh một số vũ khí hứa hẹn thậm chí còn chưa được các đồng minh của Kiev sản xuất hoặc mua.
NYT cũng lưu ý hầu hết những lời hứa với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO chủ yếu là các cam kết lâu dài nhằm đảm bảo an ninh của nước này.
Bài báo của NYT viết: “Trong hai năm qua, cuộc xung đột đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ của các đồng minh NATO và chứng tỏ các chính phủ và nhà sản xuất thương mại đang sản xuất vũ khí chậm chạp như thế nào”.
Ngày 11/7, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ tham gia cuộc họp của NATO ở Washington đưa ra tuyên bố cuối cùng, nêu rõ các nghĩa vụ mới đối với liên minh là cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev, cũng như thành lập Trung tâm Phân tích, Đào tạo và Giáo dục (JATEC) chung NATO - Ukraine.
Mặc dù tuyên bố nói rằng khối không tìm kiếm một cuộc đối đầu có chủ ý với Nga, nhưng trong cùng một văn bản, Liên bang Nga được coi là mối đe dọa chính đối với các nước trong liên minh.
Ngoài ra, NATO sẽ tiếp tục hoạt động tích cực ở Biển Đen và Tây Balkan, cũng như tăng cường hợp tác sâu sắc với các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng Nga cần suy nghĩ về các biện pháp trả đũa để răn đe NATO. Theo ông, Liên bang Nga nhận thấy cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang tiến dần về phía biên giới Nga.
Các nước phương Tây đã tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev trong bối cảnh hoạt động đặc biệt của Liên bang Nga nhằm bảo vệ Donbass.
Hoạt động đặc biệt trên được Nga công bố ngày 24/2/2022 sau khi tình hình trong khu vực trở nên trầm trọng hơn do pháo kích của quân đội Ukraine.