Vì sao TPHCM khó thu hút người giỏi vào khu vực công?

GD&TĐ - Theo báo cáo, trong 5 năm thực hiện chính sách thu hút, TP không tuyển dụng được sinh viên giỏi theo diện này...

Các nhà khoa học trẻ và sinh viên giỏi cần môi trường làm việc có đãi ngộ xứng đáng.
Các nhà khoa học trẻ và sinh viên giỏi cần môi trường làm việc có đãi ngộ xứng đáng.

Sở Nội vụ TPHCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về việc triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Theo báo cáo, trong 5 năm thực hiện chính sách thu hút, TP không tuyển dụng được sinh viên giỏi theo diện này.

Môi trường làm việc không hấp dẫn

Theo Sở Nội vụ TPHCM, các đối tượng thu hút, tuyển dụng theo Nghị định 140 là những trường hợp có trình độ, kết quả học tập xuất sắc. Sinh viên có kết quả tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, giỏi cũng có rất nhiều cơ hội nhận được học bổng trong nước và nước ngoài để tiếp tục con đường học vấn. Tuy vậy, trong thời gian qua Sở không tiếp nhận được nhân sự nào.

Là sinh viên tốt nghiệp thủ khoa ngành Tài chính của Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhưng Nguyễn Thái L. vẫn không chọn đi vào khối công (Nhà nước) mà nhận việc ở một tập đoàn đa quốc gia chuyên về lĩnh vực logistics.

“Bố mẹ em làm việc trong một sở tại TPHCM cũng có định hướng cho em vào làm việc tại một đơn vị của Nhà nước. Tuy nhiên, sau 5 tháng làm việc em nhận thấy môi trường công việc cũng như thu nhập không đáp ứng như kỳ vọng, nên quyết định rời khối công. Với người trẻ, việc thu nhập tốt và có một môi trường làm việc năng động, cho mình điều kiện phát huy hết khả năng, năng lực của bản thân là các tham chiếu chính để dấn thân. Tư tưởng “bám” vào Nhà nước thật sự đã lỗi thời trong bối cảnh hiện nay”, Thái L. chia sẻ.

Sở Nội vụ TPHCM cho biết có nhiều lí do khiến khó thu hút người trẻ giỏi về làm việc trong khối công, trong đó nguyên nhân chính vẫn là quy định về chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập của các cơ quan hành chính. Bởi hiện nay so với các đơn vị tư nhân, thu nhập khối công thấp hơn rất nhiều, nên nhiều sinh viên giỏi sau khi làm việc một thời gian đã quyết định “nhảy việc” ra ngoài làm.

Thực tế, trước khi thực hiện chính sách thu hút nhân tài theo chủ trương chung của cả nước, từ năm 2014, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 5715/QĐ-UBND ngày 21/11/2014 trải thảm đỏ mời nhân tài về làm việc. Theo chính sách trên, người giỏi về khối công sẽ được hưởng thu nhập thỏa thuận không quá 150 triệu/tháng; chia lợi nhuận trên sản phẩm nghiên cứu; được hỗ trợ kinh phí dự hội thảo với các ưu đãi về thuế, nhà ở… Tuy vậy, TP cũng chỉ thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc trên nhiều lĩnh vực.

Sau giai đoạn đề án thử nghiệm kết thúc vào năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn mới, Quyết định 17/2019/QĐ-UBND ngày 4/7/2019 của UBND TPHCM có nhiều thay đổi trong chính sách đãi ngộ, nên khiến phần lớn các chuyên gia nghỉ việc. Đến năm 2022, Quyết định 17 hết hạn, TP đang nghiên cứu xây dựng chính sách mới thay thế.

Giải pháp nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, bộ máy công quyền được coi là bộ khung của nền công vụ quốc gia. Do vậy, cán bộ, nhân viên làm ở đó phải là những người giỏi, thậm chí ở một số bộ phận như tham mưu, nghiên cứu, đứng đầu các sở ngành là những người giỏi nhất.

Bộ máy công quyền không chỉ đóng vai trò quản lý Nhà nước, điều hành các tỉnh, TP vận hành trơn tru, mà còn xây dựng chính sách mới, điều chỉnh những gì đang hoạt động hàng ngày và dự báo những gì sẽ xảy ra trong tương lai, cũng như có khả năng xử lý mọi rủi ro, đối phó mọi biến động bất thường…. Vì vậy cần phải hút được nhiều người giỏi vào khu vực công, nhưng chúng ta lại chưa làm được.

“Thực tế cho thấy còn nhiều bất cập trong việc thu hút nhân tài, khiến các ứng viên không mặn mà về làm việc trong khối công. Ngoài việc Nghị định số 140 (triển khai áp dụng cho cả nước) nên có nhiều điểm không phù hợp đối với một số đô thị có mức sinh hoạt, chi phí rất lớn như TPHCM, thì sức hút khối tư nhân với cơ hội lập thân nhanh hơn đã khiến người trẻ không mặn mà làm việc trong khối công”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nói.

Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, để người trẻ giỏi tìm đến các cơ quan hành chính Nhà nước và cống hiến, TPHCM rất cần quyền tự quyết so với “khung” chung quy định về thu hút nhân tài áp dụng cho cả nước. PGS.TS Minh Hòa cho biết, ông từng tiếp xúc với sinh viên trường chính sách công mang tên Lý Quang Diệu của Singapore, nên hiểu tại sao họ giỏi và tại sao họ được đào tạo như thế. Ngay khi bước chân vào trường này, họ đã là công chức dự bị và khi ra trường họ chắc chắn có việc làm trong Nhà nước, được mua căn hộ trả góp và mức lương sống tốt để yên tâm phục vụ nhân dân lâu dài.

“Thực tế, những người trẻ xuất sắc có khát vọng vươn lên trong học vấn và trong vị trí xã hội. Ngay từ năm thứ 3 trên giảng đường đại học, những sinh viên giỏi đã tìm kiếm cơ hội đi học cao hơn ở trong nước, ở nước ngoài và sau khi tốt nghiệp thời gian ngắn họ đã chuyển tiếp sang cao học, nghiên cứu sinh.

Nhiều người sau này làm việc trong các trường đại học, còn những người đi học nước ngoài chọn con đường ở lại không về nước nữa. Một số khác được các công ty, tập đoàn kinh tế đón ngay khi ra trường, được bố trí vào những vị trí quan trọng và chỉ ít năm sau là có căn hộ, xe hơi. Điều đó cho thấy, cử nhân, kỹ sư xuất sắc không đầu quân về cơ quan Nhà nước là điều không có gì lạ, vì ngoài chuyện lương rất thấp ra, cơ hội thăng tiến cũng rất khó khăn”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa phân tích.

Để thu hút người trẻ xuất sắc đầu quân làm việc trong hệ thống Nhà nước là vấn đề khó nhưng buộc phải làm. Vì vậy, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành cần đánh giá lại các chính sách tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng đã làm, để có những chính sách mới tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.