Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong số các lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, lưu học sinh đi du học từ nguồn học bổng của Chính phủ Việt Nam chiếm 3% - 4%; số tự túc kinh phí chiếm khoảng 90%; còn lại là diện nhận học bổng của chính phủ các nước, tổ chức quốc tế và trường đại học nước ngoài.
Đối tượng được cử đi học nước ngoài bằng học bổng ngân sách Nhà nước do Bộ GD&ĐT quản lý chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các bộ, ngành, viện nghiên cứu, cơ quan hành chính Nhà nước, cơ sở giáo dục đại học, sinh viên đại học… với trình độ đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập.
Đối tượng này đều có cam kết ràng buộc trở về nước công tác sau khi hoàn thành khóa học. Công tác tiếp nhận lưu học sinh về nước được thực hiện chặt chẽ theo quy định tại Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập tại nước ngoài. Trường hợp lưu học sinh vi phạm các quy định của người học được hưởng học bổng ngân sách Nhà nước sẽ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành. Đối với lưu học sinh chưa có việc làm sau khi về nước sẽ được Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực của Bộ GD&ĐT giới thiệu việc làm hoặc giới thiệu về các cơ quan, địa phương, trường đại học đã cử lưu học sinh đi học có nhu cầu tuyển dụng.
Chính phủ đã có chính sách thu hút lưu học sinh nước ngoài về làm việc, đặc biệt đối với các lưu học sinh không nhận học bổng từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh việc đề xuất cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút công dân Việt Nam tốt nghiệp ở nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước, Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng diễn đàn “Du học sinh Việt Nam”. Diễn đàn nhằm kết nối các lưu học sinh Việt Nam đã, đang và sẽ đi học nước ngoài, giảng viên, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ thông tin về học thuật, kinh nghiệm sống, cơ hội việc làm, môi trường làm việc trong nước nhằm quản lý tốt hơn và thu hút du học sinh về nước làm việc.