Tóc bạc là do các tế bào trong nang tóc ngừng sản xuất sắc tố. Việc tìm ra phương pháp đảo ngược quá trình bạc tóc có thể can thiệp vào quá trình lão hoá ở người.
Nguyên nhân tóc đổi màu
Mỗi sợi tóc của chúng ta có 4 giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn mọc tóc (anagen phase), thường kéo dài 2 - 8 năm, trong đó các tế bào tóc phát triển từ nang tóc. Sau khi kết thúc giai đoạn mọc, sợi tóc sẽ bắt đầu phát triển chậm lại và tách ra khỏi nang tóc, gọi là giai đoạn ngừng trệ (catagen phase).
Một giai đoạn khác là giai đoạn rụng tóc (telogen phase) cũng là giai đoạn đáng sợ nhất với hầu hết mọi người. Trong đó, tóc phát triển từ nang tóc rụng đi và nang tóc chuẩn bị mọc tóc mới nhưng thời gian này kéo dài.
Cuối cùng là giai đoạn ngoại sinh (exogen phase) khi hàng chục, đôi khi hàng trăm, sợi tóc rụng mỗi ngày. Chu kỳ này lặp đi lặp lại và độ dài của từng chu kỳ phụ thuộc vào các nang tóc.
Ở giai đoạn mọc tóc, các tế bào gốc bên trong nang tóc sẽ tạo ra các tế bào hắc tố (melanacyte) có vai trò sản xuất sắc tố (melanin). Sắc tố sẽ được thêm vào chất sừng (keratin), thành phần chính của tóc, trong quá trình tóc mọc ra từ nang tóc. Màu tóc của chúng ta phụ thuộc vào sắc tố được thêm vào. Đó là lý do có người tóc màu đen, có người lại tóc vàng còn có người tóc hoe đỏ.
Sắc tố eumelanin làm tóc có màu đen hoặc nâu trong khi pheomelanin làm cho tóc của chúng ta có màu đỏ hoặc vàng. Các tế bào hắc tố sẽ chết vào cuối chu kỳ tóc là khi tóc rụng và nang tóc sẽ tạo ra các tế bào hắc tố chứa sắc tố mới khi một sợi tóc mới mọc lên.
Tuy nhiên, theo thời gian, các tế bào hắc tố dần mất đi chức năng sản xuất sắc tố cho đến khi nó không thể sản xuất được gì nữa. Cùng lúc này, số lượng tế bào gốc trong nang tóc cũng suy giảm nên tóc mới mọc ra sẽ không còn tế bào hắc tố. Kết quả, thay vì chứa sắc tố, tóc sẽ bạc màu.
Quá trình bạc tóc là do tế bào gốc ở nang tóc không sản xuất thêm tế bào hắc tố. Đây là một quá trình dài, khi nhiều chu kỳ tóc đã sinh ra từ nang tóc nên quan niệm con người bạc tóc “chỉ sau một đêm” là không chính xác.
Trên thực tế, khi con người lâm vào cảnh căng thẳng tột cùng sẽ gây ra tình trạng rụng tóc (telogen efluvium). Đây là lúc tóc rụng nhiều nhưng nang tóc không đủ kích thích để mọc lên tóc mới.
Lúc này, những sợi tóc còn lại trên đầu sẽ lộ ra rõ hơn, trong đó có nhiều sợi tóc bạc. Những sợi này đã tồn tại từ trước đó nhưng do bình thường, tóc chứa sắc tố dày hơn nên những sợi tóc bạc bị che lấp đi. Chỉ đến khi những sợi tóc bóng khoẻ rụng đi, những sợi tóc bạc mới hiện ra.
Dù vậy, căng thẳng kéo dài sẽ khiến cơ thể sản xuất ra chất noradrenaline. Chất này có thể di chuyển các tế bào hắc tố ra khỏi nang tóc và khiến tóc mất đi sắc tố. Do đó, căng thẳng dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình bạc tóc.
Ảnh hưởng của tóc bạc
Theo nghiên cứu, tuổi tác không phải là yếu tố duy nhất khiến tế bào hắc tố mất đi sắc tố. Các nguyên nhân khác liên quan đến độ tuổi của tóc bao gồm di truyền, chủng tộc, sắc tộc, môi trường sống... Ví dụ, người da trắng sẽ bạc tóc sớm hơn người da đen tới 10 năm.
Hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc với tia cực tím, thiếu hụt một số chất dinh dưỡng nhất định, tiếp xúc với ô nhiễm không khí cũng có thể gây ra tình trạng mất sắc tố. Người mắc bệnh bạch biến, một bệnh di truyền ảnh hưởng đến sắc tố da, cũng ảnh hưởng đến sắc tố tóc.
Chu kỳ của tóc không giống với chu kỳ sinh trưởng của con người nhưng từ lâu, màu tóc đã được cho là dấu hiệu không mấy tích cực về sức khoẻ và tuổi tác. Tóc bạc gắn liền với suy nghĩ về tuổi già hoặc các bệnh về sức khoẻ. Tuy nhiên, 23% dân số thế giới có bị bạc tóc quá nửa đầu ở tuổi 50 và điều này không ảnh hưởng đến tuổi tác hay sức khoẻ của họ.
Hơn nữa, màu tóc còn phản ánh nhận thức xã hội về một con người. Những người đàn ông được đánh giá là trông nổi bật, hấp dẫn hơn khi họ già đi và có tóc bạc. Trong khi đó, phụ nữ có tóc bạc bị cho là già đi, kém sức hút và hấp dẫn. Vì vậy, ít nhất 75% phụ nữ có tóc bạc đều nhuộm tóc.
Với những lý do trên, tóc bạc luôn được cho là “cột mốc” của tuổi già và việc can thiệp để tóc không bị bạc được cho là giúp con người trẻ hoá. Một trong những cách làm phổ biến hiện nay là nhuộm tóc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng có thể sớm đảo ngược quá trình khiến tóc bạc màu nếu hiểu về việc sản xuất tế bào hắc tố trong nang tóc. PGS Melissa Harris, chuyên gia sinh học tại Đại học Alabama, Mỹ, cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tóc bạc có thể liên quan đến phản ứng miễn dịch trong cơ thể người. Do đó, khoa học có thể nghiên cứu các phương pháp tiềm năng tái kích hoạt tế bào gốc.
Nhóm của Harris đã thử nghiệm liệu pháp miễn dịch lên người mắc bệnh ung thư phổi, phải xạ trị. Kết quả là sau thời gian xạ trị, tóc của các bệnh nhân đã mọc trở lại và chứa sắc tố như khi họ khoẻ mạnh. Việc sản xuất tế bào hắc tố không vì thế mà bị suy giảm. Chìa khoá nằm ở protein PD-LI, có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch.
Nghiên cứu hiện vẫn đang tiếp tục. Tuy nhiên, hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của tóc cũng là cách tiếp cận với lão hoá và sức khoẻ tổng thể của con người.
“Nếu chúng ta may mắn, việc khám phá ra phương pháp đảo ngược tình trạng bạc tóc có thể mang lại khả năng duy trì sức khoẻ lâu hơn và giảm thời gian lão hóa ở người”, PGS Harris tin tưởng.