Vì sao thế giới Ả rập đứng im trước hành động của Israel?

GD&TĐ - Trong mấy ngày qua, các nước Arab chỉ đưa ra các tuyên bố lên án việc Israel tấn công dải Gaza chứ không hề có động thái cụ thể giúp đỡ Palestine.

Vì sao thế giới Ả rập đứng im trước hành động của Israel?

Đáp trả lại các cuộc tấn công tên lửa và tấn công trên bộ vào các cơ sở ở miền nam Israel, Tel Aviv đang gấp rút chuẩn bị lực lượng cho một chiến dịch quân sự trên bộ tấn công vào lực lượng Hamas, nhưng thực sự là tiến vào kiểm soát dải Gaza của người Palestine.

Trong một hoặc hai tuần nữa, IDF sẽ tập hợp hàng trăm nghìn quân dự bị, những người sẽ tạo ra địa ngục thực sự ở Dải Gaza.

Quan điểm thế giới Ả rập đối với Israel

Theo các nhà quan sát, với cán cân quân sự bất tương xứng, chắc chắn Israel sẽ đè bẹp Hamas, nếu không có sự can thiệp của bên thứ 3.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dường như không có bất cứ quốc gia Ả rập nào và cũng chưa có đồng minh nào đưa ra hành động thiết thực giúp Hamas.

Thông tin có vẻ đáng tin cậy rằng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã cảnh báo chính quyền Damascus không nên can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Israel-Hamas.

Trong mấy năm qua, chính quyền Washington đã làm rất nhiều việc để đưa Abu Dhabi và Tel Aviv xích lại gần nhau hơn, dẫn đến việc lần đầu tiên trong lịch sử, các đại sứ quán của Israel và UAE đã được mở tại thủ đô của đối phương, vào năm 2021.

Và cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy chế độ quân chủ dầu lửa Trung Đông sẽ làm hỏng mối quan hệ với Israel vì người Palestine.

Vừa qua, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cùng với người láng giềng Ả Rập Xê-Út (Saudi Arabia) chỉ “bày tỏ sự quan ngại” và kêu gọi các bên “sớm chấm dứt cuộc xung đột”.

Trong số các quốc gia Ả rập thân Mỹ, chỉ duy nhất có chính quyền Doha cáo buộc Tel Aviv kích động chiến tranh. Còn các nước khác, chẳng hạn như Iraq dù gay gắt hơn cũng dừng lại ở mức độ lên án người Israel áp bức người Ả Rập một cách có hệ thống.

Về phía một địch thủ của Israel là Syria, chính quyền Tel Aviv từ lâu đã tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài với Damascus trong những năm gần đây với những cáo buộc Syria giúp Iran tiếp cận lãnh thổ Israel và hỗ trợ Hamas, gây nguy hại cho an ninh của nước này.

Mặc dù có mâu thuẫn rất lớn nhưng điều lạ là cho đến thời điểm này, chính quyền của ông Bashar al-Assad vẫn chỉ thể hiện “tình đoàn kết” với Hamas bằng những tuyên bố, chứ chưa có hành động gì cụ thể, trong khi Iran cũng chỉ đưa các tuyên bố lên án và cảnh cáo hậu quả “có thể đến” với Israel.

Iran cũng không chưa có hành động can thiệp trực tiếp mà chỉ lên án Israel và tuyên bố ủng hộ cuộc chiến của Hamas.

Và đỉnh điểm là tuyên bố của Liên đoàn các quốc gia Ả Rập, được thể hiện vô cùng rõ ràng và đồng thời một cách “đầy trang trọng”: “Việc Israel tiếp tục thực hiện các chính sách bạo lực và cực đoan là một quả bom hẹn giờ ngăn cản bất kỳ cơ hội ổn định nghiêm túc nào trong khu vực trong tương lai gần”.

Với tuyên bố mạnh nhưng không kèm theo bất cứ hành động cứng rắn nào, những phản ứng của thế giới Ả rập cho thấy dường như tình hình hiện nay hoàn toàn chưa đạt tới như bối cảnh có thể bùng phát một cuộc chiến tranh lan rộng hoặc nguy cơ thế chiến thứ 3.

Ba nguyên nhân khiến Thế chiến 3 không bùng phát

Theo giới chuyên gia phân tích, việc các quốc gia Ả rập Trung Đông không có bất cứ hành động nào ủng hộ Hamas và người dân Palestine xuất phát những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, không muốn mất lòng Mỹ

Đã qua rồi cái thời quan hệ giữa Israel với thế giới Ả rập ở trong tình trạng thù địch, các nước Ả rập sẵn sàng hợp lực để đối phó với Israel.

Trong những năm đầu thế kỷ 21, dưới sức ép của Mỹ, các đối thủ lâu dài của Israel như Saudi Arabia, UAE, Ai Cập hoặc đã ký các hiệp ước tôn trọng lẫn nhau và mở rộng hợp tác với Tel Aviv, hoặc cũng đang triển khai đàm phán lập ra cơ chế liên lạc giữa các bên, đồng thời, các cơ quan ngoại giao đã bắt đầu được thiết lập ở cả 2 chiều.

Hiện nay, các quốc gia Ả rập ở Trung Đông cơ bản đã đi theo định hướng của Mỹ về bình thường hóa quan hệ với Israel, mà ví dụ điển hình nhất là Hiệp ước Abraham năm 2020, bình thường hóa quan hệ giữa giữa UAE, Bahrain với Israel.

Trong năm 2023, một thủ lĩnh Ả rập khác ở Trung Đông là Saudi Arabia cũng đang đàm phán ký hiệp định hòa bình với Israel.

Mặc dù chưa đi đến kết quả cuối cùng, nhưng giới phân tích tin chắc rằng, trước sau gì thì Washington cũng sẽ buộc Riyadh phải bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv.

Mỹ hiểu được mâu thuẫn giữa các nước Ả rập với Nhà nước Do Thái nên đã chủ động đứng ra đóng vai trò trung gian để điều phối quan hệ giữa Israel với các nước Ả rập.

Do đó, theo các chuyên gia, các quốc gia này đã im lặng trước những hành động mang tính chất đàn áp của Israel, để tránh không làm mất lòng Washington.

Thứ hai: không ai muốn thấy đầu đạn hạt nhân từ Israel hiện diện ở thủ đô của mình.

Mặc dù Tel Aviv chưa bao giờ thừa nhận mình là một quốc gia hạt nhân nhưng cả thế giới đều biết Israel là một quốc gia sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Theo số liệu của các cơ quan và viện nghiên cứu về hạt nhân, Tel Aviv hiện sở hữu từ 100-200 đầu đạn hạt nhân, được xếp thứ 5 thế giới về số lượng đầu đạn.

Đáng sợ hơn là Israel còn có khoảng 400-500 phương tiện trên bộ (tên lửa đạn đạo liên lục địa, vũ khí hạt nhân chiến thuật), trên không (máy bay chiến đấu), trên biển (tàu ngầm mang tên lửa hành trình) có khả năng mang phóng bom, đạn hạt nhân.

Trong thời đại ngày nay, các cuộc chiến tranh không còn là cảnh đối đầu về hải quân, không quân và lục quân giữa Israel với các nước Ả rập, được quyết định là về số lượng bộ binh và xe tăng, mà chỉ cần một cái nhấn nút hạt nhân hoặc một đợt tấn công ồ ạt bằng tên lửa là cục diện đã có thể phân định thắng thua.

Trong các cuộc chiến trước đây vào năm 1967 và 1973 bộ 3 vũ khí răn đe hạt nhân của Israel còn chưa hoàn thiện, chỉ có khả năng thả bom nguyên tử nên khả năng tấn công còn hạn chế, nhưng ở thời điểm hiện nay, chỉ cần vài phút đến vài chục phút là đầu đạn hạt nhân từ tên lửa Jericho-3 đã có thể tấn công vào thủ đô của các nước Ả rập.

Thứ ba: Thời cơ đã bị bỏ lỡ

Cho đến thời điểm hiện nay, việc mở một mặt trận để đối đầu Israel là điều hầu như khó có thể xảy ra, tất cả các đối thủ của Israel nếu muốn đáng lẽ phải tấn công đồng thời từ những nơi khác nhau vào ngày 7-8 tháng 10, trong thời điểm nhà nước Israel đang nằm trong tình trạng hỗn loạn.

Đây là lúc nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba là cao nhất và cũng là thời điểm thuận lợi nhất để Hamas và các đồng minh có thể thực hiện hành động tuyên bố xóa bỏ đối phương.

Còn ở thời điểm hiện nay, khi IDF đã quét sạch các tay súng Hamas khỏi lãnh thổ Israel và Mỹ đã cung cấp đầy đủ những gì mà Tel Aviv cần để Lực lượng Phòng vệ Israel có đủ khả năng đối phó với 2 cuộc chiến tranh cùng lúc, thời cơ để các nước thứ 3 can thiệp đã trôi qua.

Hơn nữa, hiện Israel đang giương cao ngọn cờ chống Hamas chứ không phải là Palestine, nên các nước thứ 3 cũng khó có cớ để can thiệp, mà chỉ kêu gọi Tel Aviv chấm dứt phong tỏa dải Gaza, ngừng các hoạt động quân sự tránh xảy ra một thảm họa nhân đạo đối với người Palestine.

Cho đến thời điểm hiện nay, vấn đề chỉ là Israel sẽ tiến hành chiến dịch quân sự trên bộ ở quy mô nào và kéo dài bao lâu, mục đích của Tel Aviv là đánh bại hoàn toàn Hamas hay chỉ ra kết cục cay đắng để tổ chức vũ trang Palestine này thấy được và chấp nhận một thỏa hiệp với Israel.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ