Vì sao Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng cưỡng chế doanh nghiệp được mời đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 2009, Sở NN&PTNT TP. Hải Phòng chấp thuận cho Vườn Quốc gia Cát Bà liên kết đầu tư với doanh nghiệp, nhiều năm sau họ lại bị yêu cầu phá dỡ.

Công trình xây dựng của Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa đầu tư tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Công trình xây dựng của Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa đầu tư tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

Yêu cầu hủy văn bản do Thanh tra Sở Xây dựng ký

TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa có quyết định đưa vụ án Khiếu kiện về quyết định hành chính tại TP. Hải Phòng ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Người bị kiện là Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng.

Theo QĐ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 8524 của TAND Cấp cao tại Hà Nội thì phiên tòa dự kiến sẽ được mở vào ngày 23/9, nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Trước đó, ngày 25/11/2021, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng có QĐ 176/QĐ- KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa (sau đây gọi tắt là Công ty du lịch Đảo Cát Dứa).

Theo đó, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng yêu cầu tháo dỡ các công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng mà doanh nghiệp đã đầu tư tại khu vực bãi Cát Dứa II- thuộc phân khu phục hồi sinh thái biển Vườn Quốc gia Cát Bà (thị trấn Cát Bà, Cát Hải, Hải Phòng). Các công trình trên đã đưa vào sử dụng từ trước năm 2017.

Một trong những hạng mục đã được doanh nghiệp đầu tư tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

Một trong những hạng mục đã được doanh nghiệp đầu tư tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

Không đồng tình với QĐ trên của Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng, Công ty du lịch Đảo Cát Dứa đã khởi kiện Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng ra TAND TP. Hải Phòng.

Công ty du lịch Đảo Cát Dứa yêu cầu HĐXX thuộc TAND TP. Hải Phòng hủy QĐ số 176 của Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng (như đã nêu ở trên).

Xuất phát từ các cam kết về việc liên doanh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu dịch vụ du lịch tại Cát Dứa II với Vườn Quốc gia Cát Bà (cam kết số 142/CK-TTDL ngày 2/4/2009, số 42/CK- TrTDL ngày 15/12/2011), Công ty du lịch Đảo Cát Dứa đã tiến hành xây dựng các công trình.

Các công trình đã được xây dựng gồm: nhà sàn phục vụ ăn uống, nhà nghỉ biệt lập, nhà phục vụ, nhà ở cho nhân viên, vườn sinh vật cảnh, khu massage….

Doanh nghiệp khẳng định đã thực hiện đúng cam kết đã ký, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Vườn Quốc gia Cát Bà. Trong hoạt động, doanh nghiệp chịu sự kiểm tra giám sát của Vườn Quốc gia Cát Bà.

Trong quá trình xây dựng và hoạt động, doanh nghiệp không nhận được bất kỳ văn bản hướng dẫn nào từ Vườn Quốc gia Cát Bà, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương về việc hướng dẫn xin phép xây dựng đối với các công trình xây dựng mới.

Doanh nghiệp cũng đưa ra lập luận khẳng định công trình xây dựng cấp IV, xây dựng tại nông thôn nên được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014.

TAND Hải Phòng đã thụ lý và xét xử sơ thẩm vụ án này. Tại bản án số 17/2022 HC-ST (ngày 27/6/2022) đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Công ty du lịch Đảo Cát Dứa về việc hủy QĐ số 176 của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng.

Thanh tra tiếp tục “thúc” cưỡng chế

Không đồng tình với phán quyết trên của tòa án, Công ty du lịch Đảo Cát Dứa đã có đơn kháng cáo gửi TAND TP. Hải Phòng, TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 17/2022 HC-ST của TAND TP. Hải Phòng. Vụ án đã được TAND Cấp cao tại Hà Nội thụ lý giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Bà Trần Thị Cúc- Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Đảo Cát Dứa cho rằng: Phán quyết của tòa sơ thẩm không phù hợp với chứng cứ và các quy định của pháp luật. Điều này có thể dẫn đến hậu quả là thiệt hại tài sản của doanh nghiệp đã đầu tư. Hậu quả có thể là trách nhiệm bồi thường nhà nước của cơ quan Thanh tra Sở Xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng.

Công trình của doanh nghiệp xây dựng tại Vườn Quốc gia Cát Bà đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế sau nhiều năm khai thác, hoạt động.

Công trình của doanh nghiệp xây dựng tại Vườn Quốc gia Cát Bà đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế sau nhiều năm khai thác, hoạt động.

Hơn 10 ngày sau bản án sơ thẩm, ngày 14/7/2022 Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng ban hành QĐ số 161/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo QĐ 176 trước đó.

Được biết, doanh nghiệp liên kết đầu tư tại Vườn Quốc gia Cát Bà là theo chương trình của Bộ NN-PTNT trước đó.

Cụ thể, năm 2007, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng rừng, Bộ NN-PTNT đã có quyết định ban hành Quy chế quản lý các hoạt động du dịch sinh thái tại các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên.

Nội dung Quy chế này cho phép các doanh nghiệp được liên kết, hợp tác đầu tư với Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên để xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Thực hiện chủ trương đó, giai đoạn 2009 đến 2011 đã có nhiều doanh nghiệp kí cam kết với Vườn Quốc gia Cát Bà, biến những vùng đất lau lách, lùm bụi trở thành thiên đường du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn vào hoạt động xây dựng hạ tầng kinh doanh du lịch tại khu vực này.

Năm 2012, nhận thấy hiệu quả đích thực từ chính sách thí điểm của Bộ NN-PTNT, UBND TP. Hải Phòng đã ra Quyết định số 2119 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà với mục tiêu đưa Cát Bà trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn, có sức hấp dẫn không chỉ ở Việt Nam mà vươn ra toàn thế giới.

Đề án Phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà chia làm 4 phân khu chức năng: Khu trung tâm dịch vụ, Khu vực dành cho tham quan khám phá các hệ sinh thái, Khu vực phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và Khu vực phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Thậm chí, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải còn có giấy khen tặng doanh nghiệp vì có thành tích trong hoạt động phát triển du lịch.

Thay vì tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về chính sách, đồng hành cùng nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục hành chính (nếu có) để tiếp tục hoạt động thì lại ban hành văn bản hành chính có thể gây thiệt hại về kinh tế cho nhà đầu tư. Vụ việc này gây mất niềm tin cho nhà đầu tư đối với cơ quan quản lý Nhà nước của TP. Hải Phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.