Ngày 11/2, thông tin từ Sở Y tế TPHCM, năm 2024, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm TPHCM ghi nhận khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm, trong đó 11 ca bệnh nặng và không có trường hợp tử vong.
Trước tình hình dịch cúm mùa bùng phát tại một số quốc gia và số ca bệnh gia tăng tại một số tỉnh phía Bắc, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cơ sở y tế, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Mục tiêu là kiểm soát tốt tình hình, tránh gây hoang mang cho người dân nhưng cũng không được chủ quan, lơ là.
Ghi nhận tại TPHCM, hiện có 20 trường hợp cúm điều trị nội trú tại các bệnh viện. Đến nay, TPHCM chưa phát hiện bất thường trong tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.
Liên quan đến vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, khẳng định, tình hình dịch cúm hiện nay không có gì đặc biệt so với những năm trước đây.
“Sở dĩ năm nay số ca mắc cúm tăng cao là do thời tiết thuận lợi cho virus cúm phát triển. Virus cúm có khả năng tồn tại rất lâu ở môi trường lạnh, thậm chí virus có thể sống được 1 tháng”, BS Khanh cho hay.
Theo BS Khanh, nếu thời tiết lạnh kéo dài, tác động của virus sẽ tăng lên và lây lan nhiều hơn. Ngoài ra, khi trời lạnh người mắc bệnh không giữ ấm cơ thể sẽ gây biến chứng. Hiện nay, tình trạng tự ý mua thuốc điều trị bệnh đặc biệt là cảm cúm tại nhà rất phổ biến.
Tuy nhiên, việc mua thuốc điều trị tại nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm như sử dụng quá liều, không đúng thuốc, bỏ qua triệu chứng cảnh báo nặng....
BS Khanh cho biết, ở người lớn, khi mắc cúm, các triệu chứng như sốt cao kéo dài, khó hạ sốt, tức ngực, khó thở, chóng mặt, choáng váng… là dấu hiệu cho thấy bệnh đã có biến chứng. Đối với trẻ em, nếu trẻ có biểu hiện khó thở, sốt cao khó hạ, đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh đang trở nặng.
![Mỗi người dân có thể tiêm vaccine phòng bệnh. img-9657.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/373f2a053992fcb891b18863d260ded845d45cf778308b0d5dd6389804f3cc53cf73f2d975e8fd997c11cc880ba480c4/img-9657.jpg)
"Người dân tuyệt đối không chủ quan, nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà. Hiện nay, môi trường lạnh rất dễ lây lan cúm, cách phòng ngừa cúm hiệu quả là mang khẩu trang, rửa tay, dùng cánh tay thay vì dùng bàn tay che lúc hắt hơi, xì mũi để tránh lây lan cho những người xung quanh, giữ ấm cơ thể", BS Khanh lưu ý.
Đồng thời, mỗi người dân có thể tiêm vaccine phòng bệnh. Đặc biệt, đối với đối tượng mắc bệnh bệnh nền cần chú ý tiêm vaccine đầy đủ. Trường hợp người mắc bệnh nền không tiêm được vaccine, những người xung quanh cần tiêm vaccine đầy đủ.
“Khi bắt đầu mắc bệnh về hô hấp, dù là bệnh cúm hay không cúm cũng cần chú ý nghỉ ngơi, uống đủ nước, ăn đủ chất… nhằm tránh trở nặng, biến chứng. Người nhà cần theo dõi sát tình hình hô hấp của người bệnh nền. Trường hợp bệnh nhân sốt cao, ho đàm đục, hụt hơi, tức ngực, khó thở, choáng váng lâu hết… thì cần đi bệnh viện ngay”, BS Khanh nhấn mạnh.
Ngành Y tế TPHCM khuyến cáo, người dân đến khám chữa bệnh, liên hệ công tác phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế.
Các phòng khám, bệnh viện thực hiện quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp; tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp giám sát các trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn.