Theo dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ GD&ĐT, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định số 138/2013/NĐ-CP) được ban hành dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học.
Hiện nay, 2 Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số vấn đề bởi Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014; Quốc hội XIV kỳ họp thứ ... thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, một số nội dung của Nghị định số 138/2013/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với 2 Luật trên.
Ngày 18/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Một số nội dung của Nghị định số 138/2013/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, cụ thể:
Cần xác định rõ các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, các chức danh có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.
Bổ sung đối tượng viên chức có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi hành chính; quy định cụ thể trường hợp được quyền xử phạt của trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành.
Sau khi Nghị định số 138/2013/NĐ-CP được ban hành và triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; góp phần phòng ngừa sai phạm trong hoạt động giáo dục; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, dự thảo tờ trình cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và yêu cầu của thực tiễn như:
Các quy phạm pháp luật về giáo dục nói chung còn thiếu chế tài, cần được bổ sung trong đó chế tài xử phạt hành chính là một loại chế tài quan trọng;
Triển khai thực hiện đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục được giao nhiều quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức hoạt động. Vì vậy, cần bổ sung một số hành vi bị xử phạt hành chính đối với cơ sở giáo dục khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm;
Hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục có nhiều quy định mới và có xu hướng phát triển mạnh, cần có chế tài để bảo đảm sự phát triển tích cực;
Một số hành vi trái pháp luật đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa có quy định để xử phạt; một số quy định mới được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục chưa có chế tài. Vì vậy, cần bổ sung hành vi vi phạm để có cơ sở pháp lý xử phạt;
Khung tiền phạt của một số hành vi không còn phù hợp, cần sửa đổi để đảm bảo sức răn đe;
Thiếu các biện pháp khắc phục hậu quả mang tính đặc thù của ngành giáo dục;
Từ các lý do nêu trên, việc nghiên cứu, ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP là rất cần thiết.