Vì sao người mắc Covid-19 không nên tiếp xúc với vật nuôi?

GD&TĐ - Bộ Y tế khuyến cáo cả người mắc Covid-19 lẫn người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc với người, động vật khác vì đã có bằng chứng cho thấy virus có thể lây sang động vật.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là khuyến cáo của Bộ Y tế được thông tin trong tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà ban hành kèm theo quyết định số 4156.

Covid-19 là bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do một loại virus Corona (có tên là SARS-CoV-2) gây ra. Sau hơn 2 năm xuất hiện, bệnh dịch đã khiến gần 215 triệu người nhiễm và gần 4,5 triệu người tử vong trên toàn thế giới và còn tiếp tục gia tăng mạnh.

Theo Bộ Y tế, Covid-19 có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua các đường lây:

Qua tiếp xúc: Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm như bắt tay, ôm hôn. Tiếp xúc gián tiếp như chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên miệng, mắt, mũi của mình.

Qua giọt bắn: khi tiếp xúc gần (dưới 2 mét) với người nhiễm SARS-CoV-2 nói, ho, hắt hơi tạo ra các giọt có chứa virus bắn vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải các giọt này.

Qua không khí: Trong môi trường kín, thông khí kém, khi thực hiện chăm sóc y tế có tạo những hạt nhỏ (aerosol) chứa virus lan theo không khí và có thể gây nhiễm nếu hít phải.

Bộ Y tế khuyến cáo cả người nhiễm lẫn người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi. Cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.

Thế giới cũng đã ghi nhận các báo cáo về vật nuôi hoặc động vật nói chung mắc Covid-19. Hầu hết các con vật nhiễm bệnh sau khi ở gần chủ, người chăm sóc nhiễm Covid-19. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đến nay, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 từ động vật là thấp. Tuy nhiên, con người thể truyền SARS-CoV-2 sang động vật, đặc biệt là khi tiếp xúc gần.

Các động vật từng được ghi nhận mắc Covid-19 bao gồm chó, mèo, chồn hương, một số loại thú trong khu bảo tồn như rái cá, linh trưởng. Nhiều bang tại Mỹ cũng phát hiện hươu đuôi trắng nhiễm SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm hiểu cách virus ảnh hưởng đến các loài động vật khác nhau. Những nghiên cứu này thường có quy mô nhỏ, không cho thấy liệu động vật có nguy cơ truyền bệnh ngược lại cho con người hay không. Nghiên cứu cho thấy nhiều loại động vật có vú, bao gồm chó, mèo, chuột đồng, dơi ăn quả... có thể nhiễm virus.

Một số công trình khác lấy các loài linh trưởng là mô hình lây nhiễm. Cũng có một số bằng chứng cho thấy chuột lang không thể nhiễm các chủng SARS-CoV-2 ban đầu, song nhiễm biến thể mới. Gà và vịt dường như không dễ mắc Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.