Vì sao ngân hàng ráo riết mua vàng?

Vì sao ngân hàng ráo riết mua vàng?

(GD&TĐ) - 813.200 lượng vàng miếng - Đó là số lượng đã được Ngân hàng Nhà nước bán ra qua 32 phiên đấu thầu (bắt đầu từ ngày 28/3 đến phiên gần nhất vào ngày 18/6); với tổng khối lượng trúng thầu là 813.200 lượng trên tổng số 900.000 lượng chào thầu. Tích cực tham gia nhất vẫn là các tổ chức tín dụng còn dư huy động vàng, bởi thời hạn cuối tất toán trạng thái vào 30/6 chỉ còn được tính từng ngày.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tiếp tục chào bán thêm 26.000 lượng vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng lần thứ 33 bắt đầu từ 9 giờ sáng nay 20/6/2013. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu lần này là 26.000 lượng (vàng miếng SJC, loại 1 lượng, hàm lượng 99,99%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc theo công bố của Sở Giao dịch (thuộc Ngân hàng Nhà nước) là 39,75 triệu đồng/lượng (giá chỉ phục vụ việc tính đặt cọc). Theo quy định “cứng” của công tác đấu thầu, mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 01 mức giá không thấp hơn giá sàn.

Phiên đấu thầu bán vàng miếng gần nhất được Ngân hàng Nhà nước tổ chức diễn ra vào ngày 18/6/2013, với tổng khối lượng trúng thầu đạt 25.900 lượng trên tổng số 26.000 lượng chào thầu. Trong phiên đấu thầu này, đã có 8 thành viên trúng thầu là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.

Theo lý giải của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với báo giới, thời gian vừa qua, nhu cầu về vàng của thị trường chủ yếu tập trung ở khu vực tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần để tất toán trạng thái. Biểu hiện rõ nhất qua lượng vàng đưa ra đấu thầu luôn có tỷ lệ thành công rất cao và đơn vị mua thành công chủ yếu là các tổ chức tín dụng còn dư huy động vàng để kịp tất toán.

Sẽ xử lý nghiêm tổ chức tín dụng còn trạng thái vàng sau 30/6

Liên quan đến thị trường vàng trong nước, tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng 6 tháng đầu năm là khoảng thời gian khá vất vả đối với chính sách quản lý thị trường này. Song nhờ thực hiện đồng bộ chính sách, thị trường vàng trong nước vẫn giữ ổn định trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh cũng như áp lực tất toán số dư huy động vàng từ các tổ chức tín dụng. Trong đó, phải kể đến tác động từ các nội dung của Nghị định 24 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng cho ổn định vĩ mô.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng đã tất toán khoảng 93% số dư huy động vàng so với ngày 30/4/2012, đồng thời số tổ chức tín dụng còn dư huy động vàng cũng chỉ còn 7 thay vì 18 đơn vị như trước đây. Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước đang tạo môi trường thanh khoản, lãi suất tốt, đảm bảo nguồn cung vàng qua đấu thầu, do vậy các Ngân hàng Thương mại phải nhanh chóng tất toán, đóng trạng thái vàng. Theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo quy định các ngân hàng còn có trạng thái vàng sau ngày 30/6 (thời hạn “chốt” tất toán trạng thái vàng).

Như vậy, khoảng thời gian còn lại cho các ngân hàng đang còn trạng thái vàng là không nhiều. Điều đó giải thích cho lý do vì sao mà trong những ngày qua, song song với việc giải quyết các hợp đồng huy động, cho vay vàng, các ngân hàng rất tích cực mua vàng để kịp đóng trạng thái. Đây cũng là nguyên nhân mà nhiều chuyên gia cho rằng, thời hạn 30/6 sẽ là dấu mốc quan trọng đối với thị trường vàng. Bởi lẽ qua ngày này, chắc chắn nhu cầu mua vàng của các ngân hàng sẽ không còn. Từ đó, cầu vàng trên thị trường giảm, giá vàng trong nước sẽ dần bám sát giá thế giới hơn và các phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước sẽ thưa dần chứ không còn “dồn dập” như hiện nay.

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ