Nếu ông chủ Nhà Trắng quyết định thực hiện việc chuyển giao, đây sẽ là phương tiện chiến đấu bọc thép trang bị vũ khí mạnh nhất do phương Tây thiết kế được chuyển giao cho Ukraine.
Trước đó, Washington và các đồng minh NATO lo sợ rằng một số loại vũ khí nhất định nếu cung cấp cho Ukraine có nguy cơ kích động chiến sự leo thang tới mức mất kiểm soát. Cụ thể, đó là máy bay phản lực và xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây chế tạo.
Một điều kỳ lạ của chính sách trên chính là NATO đã cung cấp cho Ukraine rất nhiều hệ thống pháo cực mạnh có khả năng gây ra nhiều tổn thất cho Quân đội Nga hơn là xe tăng; đi kèm một số hệ thống phòng không đắt đỏ và tiên tiến hơn nhiều.
Tuy nhiên Ukraine muốn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công để giành lại lãnh thổ, do vậy đòi hỏi nhiều phương tiện chiến đấu bọc thép được bảo vệ tốt.
M2 Bradley là xe chiến đấu bộ binh (IFV) được thiết kế để đưa binh lính ra chiến trường và hỗ trợ hỏa lực trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Vì vậy, nó đáng gờm hơn nhiều so với hàng trăm xe bọc thép chở quân hạng nhẹ như M113 và VAB mà NATO đã tặng cho Ukraine.
Nhưng Bradley không phải xe tăng chiến đấu chủ lực, nó thiếu một khẩu pháo lớn và lớp giáp của nó không nhằm chống lại các đòn tấn công từ chiến xa hoặc tên lửa chống tăng.
Mặc dù vậy, Bradley ít nhiều là phương tiện tác chiến mà Kyiv cần vào thời điểm hiện nay. Trên chiến trường, Ukraine và Nga đều đã sử dụng rất nhiều phương tiện chiến đấu bộ binh, chủ yếu là các IFV bánh xích kiểu BMP thời Liên Xô, nhưng kho dự trữ của Kyiv đang giảm dần và không thể tự sản xuất bổ sung.
Những chiếc Bradley không hề rẻ, có giá khoảng 3,2 triệu USD vào năm 2000, ước tính 6.500 xe đã được chế tạo và hơn 1/3 trong số đó không còn được sử dụng bởi các đơn vị Quân đội và Vệ binh Quốc gia.
Do đó, Washington đủ khả năng cung cấp hàng trăm chiếc Bradley mà không làm suy yếu các đơn vị trực chiến. Tất nhiên, những IFV loại này trong kho dự trữ đều thiếu nâng cấp quan trọng về khả năng sống sót, do vậy nhiều khả năng Lầu Năm Góc sẽ chi một số tiền để hiện đại hóa trước khi chuyển giao.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 được Ukraine và Nga sử dụng rộng rãi có trọng lượng 15,8 tấn, trong khi một chiếc Bradley nặng gấp đôi, lên tới 33 tấn. Khác biệt lớn là do M2 có vỏ giáp mạnh hơn.
Ví dụ, giáp hông và giáp sau của BMP-2 có thể bị đạn súng máy hạng nặng xuyên thủng ở cự ly gần, trong khi Bradley được bảo vệ từ mọi góc độ trước những vũ khí như vậy.
Hơn nữa, khẩu pháo 25 mm (dù nhỏ hơn) của Bradley có thể dễ dàng bắn xuyên giáp trước của BMP-2, trong khi khẩu 30 mm của BMP-2 phải vật lộn với tấm giáp trước của Bradley, chỉ có mẫu BMP-3 sau này của Nga mới vượt qua Bradley khi nó trang bị thêm một khẩu pháo 100 mm.
Pháo tự động cỡ 25 mm của xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley khai hỏa. |
Bradley cũng là một trong số ít các phương tiện bọc thép của Mỹ được thiết kế để tích hợp giáp phản ứng nổ, giúp đánh bại các loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ thông thường kiểu RPG-7.
Trên xe còn có nhiều cảm biến hiện đại, đặc biệt bao gồm cả kính ngắm ảnh nhiệt thụ động có khả năng chiến đấu ban đêm, điều mà chỉ một số ít BMP hiện đại hóa có được.
Giống như BMP, xe Bradley mang được tên lửa tầm xa để chống lại xe tăng, cụ thể là BGM-71 TOW. Ukraine đã nhận được ít nhất 1.500 tên lửa TOW từ Mỹ, do vậy họ có thể dễ dàng trang bị cho M2 Bradley vũ khí này.
Nhưng Bradley cũng có nhược điểm như phần giáp bụng không được thiết kế để chống mìn, vì vậy nó vẫn tương đối dễ bị hạ gục bởi thiết bị nổ tự chế, mặc dù có lớp giáp dày.
Cho dù các phiên bản sau của Bradley đã tăng vài tấn trọng lượng nhưng vẫn tiếp tục sử dụng động cơ diesel 500 mã lực. Điều đó nghĩa là không đủ sức mạnh và gây áp lực cho hệ thống truyền lực cũng như hệ thống treo của chúng, ngoại trừ những chiếc M2A4 hoàn toàn mới.
Vì Bradley nặng hơn rất nhiều so với BMP-2 của Ukraine nên chắc chắn sẽ tạo ra gánh nặng hậu cần, yêu cầu phải có cấu trúc hỗ trợ chuyên sâu hơn để tiếp nhiên liệu, bảo trì và sửa chữa tại chiến trường so với các đơn vị cơ giới hóa hiện tại của Ukraine.
Không giống như phương tiện bọc thép cũ của Liên Xô do NATO trao tặng, Quân đội Ukraine chưa có kinh nghiệm vận hành M2 Bradley nên sẽ mất hàng tháng để đưa chúng vào tình trạng sẵn sàng, mặc dù cho đến nay binh sĩ Kyiv đã cố gắng làm chủ nhiều vũ khí phương Tây với tốc độ đáng kinh ngạc.
Nếu được triển khai, các lữ đoàn cơ giới của Ukraine với xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley sẽ gia tăng đáng kể khả năng sống sót, chiến đấu linh hoạt hơn nhờ cảm biến nhìn đêm vượt trội và có thể phát hiện cũng như tiêu diệt phương tiện đối phương trước khi bị nhìn thấy. Tuy nhiên, "dấu chân hậu cần" sẽ nặng hơn theo đúng nghĩa đen.
Bradley không phải là "vũ khí thay đổi cuộc chơi", nhưng nếu được cung cấp đủ số lượng, nó vẫn đặc biệt hữu ích trong toan tính của Kyiv là đánh bật các lực lượng Nga ra khỏi Ukraine thông qua sự kết hợp giữa tiêu hao và cơ động.
Cuối cùng, điều mà chính quyền Nga rất lo ngại đó là theo sau xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley tới Ukraine sẽ là nhiều xe tăng tối tân do các quốc gia phương Tây sản xuất.