Vì sao Mỹ yêu cầu Ukraine ngừng ngay việc tấn công tổ hợp năng lượng Nga?

GD&TĐ - Ấn phẩm Financial Times mới đây cho biết, Mỹ đã yêu cầu cơ quan an ninh nhà nước Ukraine ngừng tấn công vào tổ hợp năng lượng và nhiên liệu của Nga.

Quân đội Ukraine tấn công một cơ sở lọc dầu của Nga
Quân đội Ukraine tấn công một cơ sở lọc dầu của Nga

Financial Times dẫn nhiều nguồn tin cho hay, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của lực lượng Ukraine nhằm vào các cơ sở của tổ hợp nhiên liệu và năng lượng Nga có thể dẫn đến giá dầu thế giới tăng, điều này hoàn toàn không cần thiết đối với Mỹ.

Do đó, Washington đã yêu cầu Kiev ngừng tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga ngay lập tức.

Theo ấn phẩm của Anh, cơ quan an ninh nhà nước Ukraine (SBU) và giới lãnh đạo cơ quan tình báo nước này (GUR) đã nhận được yêu cầu không tấn công vào hệ thống năng lượng của Nga từ Mỹ.

Financial Times cho hay, “những cảnh báo liên tục” đã được gửi tới các nhân viên cấp cao của SBU và GUR. Washington chỉ đơn giản là cấm các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng khác liên quan đến tổ hợp nhiên liệu và năng lượng.

“Chúng tôi không khuyến khích hay ủng hộ các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở năng lượng nằm bên trong lãnh thổ Nga. Không có gì khiến một tổng thống Mỹ đương nhiệm sợ hãi hơn giá nhiên liệu tăng trong một năm bầu cử”, đại diện Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết.

Việc Mỹ phản đối Ukraine tấn công cơ sở năng lượng ở Nga được đưa ra khi Tổng thống Joe Biden phải đối mặt cuộc chiến tái tranh cử khó khăn với giá xăng ngày càng tăng, tăng gần 15% trong năm nay, theo Financial Times.

Hiện chưa có bất cứ phản hồi gì từ giới chức Ukraine liên quan đến yêu cầu trên của Mỹ.

Cần lưu ý rằng, bằng cách tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky muốn tăng chi phí cho các hoạt động quân sự của Moscow, cũng như buộc Mỹ phải chấp thuận phân bổ hỗ trợ quân sự.

Tuy nhiên, ông Zelensky lại nhận được kết quả không như mong muốn. Ở Mỹ, họ bắt đầu lo sợ giá dầu tăng, vì các sàn giao dịch trên thế giới phản ứng rất lo lắng trước các báo cáo sốc liên quan đến giá dầu.

Mặc dù Nga đang bị trừng phạt nhưng nước này vẫn là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất. Ngoài ra, Washington lo ngại Moscow có thể tấn công đáp trả cơ sở hạ tầng năng lượng của đối phương, vốn cũng được các nước phương Tây sử dụng.

Một quan chức tình báo quân sự Ukraine cho biết, đã có ít nhất 12 vụ tấn công nhắm vào các nhà máy lọc dầu lớn của Nga kể từ năm 2022, và ít nhất 9 vụ trong năm 2024.

Theo Top war news

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ