Vì sao Mỹ tịch thu máy bay của Tổng thống Venezuela?

GD&TĐ -Chính quyền Mỹ vừa tịch thu một chiếc máy bay của Tổng thống Venezuela, khi lấy lý do vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Caracas.

Mỹ tịch thu máy bay Dassault Falcon 900EX của Tổng thống Venezuela.
Mỹ tịch thu máy bay Dassault Falcon 900EX của Tổng thống Venezuela.

Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro và từ chối công nhận chiến thắng của ông trong hai cuộc bầu cử tổng thống Venezuela gần đây nhất.

"Việc bắt giữ máy bay của nguyên thủ quốc gia nước ngoài là điều chưa từng có đối với các vấn đề hình sự. Chúng tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng ở đây rằng, không ai nằm ngoài tầm với của các lệnh trừng phạt của Mỹ", một quan chức giấu tên của Washington nói với CNN, nơi đầu tiên đưa tin về câu chuyện này vào ngày 2/9.

Theo CNN, chiếc máy bay này có giá trị khoảng 13 triệu USD, và bị tịch thu với sự hợp tác của chính quyền Dominica.

Hãng tin CNN không nêu tên máy bay, chỉ nói rằng, nó bị tịch thu tại Cộng hòa Dominica và bay đến Miami, Florida. Các bộ An ninh Nội địa, Thương mại và Tư pháp đã tham gia vào vụ tịch thu.

Tờ Miami Herald xác định máy bay này là Dassault Falcon 900EX, một máy bay thương mại do Pháp chế tạo đã từng đến Cuba, Brazil và St. Vincent và Grenadines, thường chở ông Maduro. Có vẻ như máy bay này được đăng ký tại San Marino.

Herald trích dẫn hồ sơ từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho thấy, một công ty có trụ sở tại Florida đã bán máy bay cho một công ty ở St. Vincent, sau đó công ty này bán lại cho San Marino.

Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng, bên bán lại là một công ty vỏ bọc của Venezuela, và việc bán hàng này đã vi phạm lệnh trừng phạt của họ đối với Venezuela.

Các quan chức Mỹ mô tả máy bay này của Venezuela tương đương với chiếc "Không lực Một" của Mỹ, lưu ý rằng, Tổng thống Maduro đã cùng nó đến một số nơi.

Không rõ làm thế nào máy bay này lại đến Cộng hòa Dominica, vì Venezuela đã đình chỉ các chuyến bay thương mại với hòn đảo này sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/7.

Theo CNN, Mỹ có ý định tịch thu máy bay thông qua quá trình tịch thu tài sản. Điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, Venezuela có thể thách thức nó tại tòa án, nếu họ có thể tìm ra cách lách lệnh trừng phạt để làm như vậy.

Phản ứng với hành động trên của chính quyền Mỹ, chính phủ Venezuela đã mô tả vụ bắt giữ này là "hành vi cướp bóc" trong một thông báo hôm 2/9, và cáo buộc Washington leo thang "hành vi gây hấn" đối với chính quyền của ông Maduro sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào tháng 7 này.

“Một lần nữa, chính quyền Mỹ, trong một hành vi phạm tội thường xuyên không thể dán nhãn gì khác ngoài hành vi cướp bóc, đã tịch thu bất hợp pháp một chiếc máy bay được tổng thống nước này sử dụng, biện minh cho hành động của mình bằng các biện pháp cưỡng chế mà họ áp đặt một cách bất hợp pháp và đơn phương trên khắp thế giới”, thông báo cho biết.

“Mỹ đã chứng minh rằng, họ sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để đe dọa và gây sức ép với các quốc gia như Cộng hòa Dominica để họ trở thành đồng phạm trong các hành vi tội phạm của mình. Đây là một ví dụ về cái gọi là 'trật tự dựa trên luật lệ', bất chấp luật pháp quốc tế, tìm cách thiết lập luật của kẻ mạnh nhất”, thông báo nói thêm.

Đây là chiếc máy bay thứ hai của Venezuela bị Mỹ tịch thu trong năm nay.

Vào tháng 2, Argentina đã gửi cho Mỹ một máy bay chở hàng Boeing 747-300M bị tịch thu vào năm 2022, vì Caracas bị cáo buộc đã mua nó từ một công ty Iran bị trừng phạt.

Tổng thống Maduro gọi vụ tịch thu này là "một hành vi trộm cắp trắng trợn" từ phía chính phủ của Tổng thống Argentina Javier Milei.

Một quan chức giấu tên nói với CNN rằng, Washington đã tịch thu 2 tỷ USD tài khoản ngân hàng và tài sản của Venezuela trong những năm gần đây.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bản cam kết ở Làng Nủ

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Xuân Khang được biết đến là người thầy đầu tiên đã nhận nuôi toàn bộ số cháu nhỏ còn sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ hôm 10/9/2024.